Tưởng nhớ cha Giuse PHẠM Phúc Khánh
Lm Mai Đức Vinh
«Linh mục là người của Cộng Đoàn,
Linh mục phải chấp nhận mọi người,
Linh mục mắc nợ mọi người».
Ba lời trên đây cha Giuse Phạm Phúc Khánh đã viết trong bài «Tìm hiểu ơn gọi Linh mục», đăng trong báo Sacerdos (số tháng 10 năm 1965, Báo do Hội Đồng Giám Mục Việt chủ trương) và sau in lại trong cuốn «Giáo Hội Công Giáo giữa những thực tại trần thế» do chính cha phát hành tại Paris năm 1997 (tr. 77-94). Theo tôi ba ý tưởng này tóm tắt linh đạo và sinh hoạt mục vụ của cha Khánh trong đời sống linh mục, từ 1953 đến 2005.
Cha Giuse Phạm Phúc Khánh chào đời ngày 08.12.1923, trong một gia đình nho học năm anh chị em, ba trai hai gái, tại xứ Lục Thủy, giáo phận Bùi Chu. Lớn lên, cha cậu Khánh được cha sở đỡ đầu và giới thiệu vào tiểu chủng viện Mỹ Sơn giáo phận Lạng Sơn. Mãn tiểu chủng viện, thầy Khánh được gửi học tại đại chủng viện Xuân Bích ở Hà Nội. Sau ngày quân đội Việt Minh đảo chính, chiếm thành phố Hà Nội, 19.12.1946, đại chủng viện phải đóng cửa, các linh mục giáo sư bị bắt, các đại chủng sinh tản mát về đồng quê không hẹn ngày trở lại. Thầy Khánh trở về Lạng Sơn giúp hai xứ đạo Chỉ Thiện và Quĩ Nhất. Năm sau, 1947, đức Giám Mục gửi thày khánh về học tại học viện dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Ap (Hà Nội) rồi vào Đà Lạt.
Qua năm 1949, Thày Khánh lại được gửi qua Roma học tại Trường Truyền Giáo Urbano và chịu chức linh mục ngày 19.12.1953. Sau khi chịu chức, cha Khánh còn lưu lại Roma dọn xong bằng Tiến sĩ Thần học (1955), rồi qua pháp học thêm cử nhân môn xã hội tại Institut Catholique (1957) trước khi hồi hương (1958).
Về Việt Nam, Cha Giuse Phạm Phúc Khánh được cử làm hiệu trưởng trường trung học Dũng Lạc tại Xóm Mới Gò Vấp. Nhưng không đầy hai năm, cha Khánh bị yếu phổi phải trở lại Pháp dưỡng bệnh và xin làm việc trong giáo phận Cannes từ năm 1961. Ngay bước đầu đến giáo phận, Đức Giám Mục bổ nhiệm cha Khánh làm việc tại xứ đạo Notre Dame de Bon Voyage, và cho đến khi chết, tức là suốt 40 năm, cha Khánh làm mục vụ trong xứ đạo này. Vì thế khi cha Khánh đúng 75 tuổi (1998), đức Giám Mục đã thăng cha lên chức Kinh Sĩ của Giáo phận.
Về Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Cannes-Nice, lá Thư Cộng Đoàn số 8, tháng 3. 2005 cho chúng ta biết như sau : Từ lâu (1957 ?), tại Nice đã có một hiệp hội công giáo mang tên là ‘Action Catholique des Vietnamiens et des Anciens d’Indochine’ mà đa số thành viên là người Việt lai Pháp hay người Việt có quốc tịch Pháp hồi hương và ông Roussel là chủ tịch hội. Chính ông thường mời các linh mục Việt Nam từ Paris xuống dâng lễ và giảng cấm phòng cho đồng bào. Tới năm 1962, ông lại đích thân xin đức cha Mouisset, giám mục giáo phận Cannes-Nice bổ nhiệm cha Khánh làm Tuyên Úy cho Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam. Đức cha nhận lời. Cộng Đoàn Cannes-Nice khai sinh từ đó. Mặc dầu qua nhiều giai đoạn thăng trầm, vì ảnh hưởng chiến tranh và chính trị bên nhà, vì ảnh hưởng xã hội, gia đình và sinh kế tại Pháp, vì thế hệ tiền bối qua đi hay tuổi già sức yếu ngay trong hàng ngũ giáo dân… Cộng đoàn Cannes-Nice vẫn giữ đều ba sinh hoạt : Thánh lễ mỗi tháng, cấm phòng hàng năm vào dịp lễ Phục Sinh, hành hương Đức Mẹ Laghet mỗi năm. Ngoài ra, cộng đoàn đã nhiều lần tổ chức bữa cơm và văn nghệ mừng Xuân, nhiều lần đi hành hương Roma, Lourdes… Tháng 4.05 vừa qua, cha Khánh đã tổ chức lễ mừng 40 năm thành lập Cộng Đoàn, cũng là 40 năm cha làm Tuyên Úy và phục vụ Cộng Đoàn… Việc ra đi của cha Giuse Phạm Phúc Khánh là một sự mất mát lớn cho Cộng Đoàn. Nồng cốt của Cộng Đoàn hiện nay chỉ là một nhóm nhỏ, mà hai người nồng cốt là bà Thuần và ông Thượng. Điều Cộng Đoàn mong mỏi nhất hiện nay là mau có cha Tuyên Úy Việt Nam ! Cầu nguyện, vận động và chờ mong !
Cha Giuse Phạm Phúc Khánh sống đơn sơ, khó nghèo. Cha tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự lau quét phòng ở. Nếp sống đơn sơ của cha bộc lộ ra nơi cái cười kín đáo, duyên dáng và chớp nhoáng. Nhưng đối với cha, sống đơn sơ không có nghĩa là bừa bãi, thiếu trật tự. Phòng ở, bàn giấy của cha luôn sạch sẽ và ngăn nắp. Cung cách làm việc và xử sự, giao tế của cha cũng rất nguyên tắc, sòng phẳng đâu ra đó. Cha Khánh là con người hiếu khách, nhất là mùa hè, năm nào cha cũng có những linh mục, tu sĩ hay giáo dân đến ở nhờ ‘để đi tắm bể’. Sau đây còn một khía cạnh ‘của tình anh em linh mục của cha Khánh’ : cha trung thành với những tuần hội Tuyên Úy Đoàn hàng năm, cha chịu khó đi dự các tuần hội USU, các dịp Đại Hội Liên Tu Sĩ VN tại Pháp. Trong các dịp hội này, cha không ngần ngại thuyết trình những chủ đề cần đến cha. Bởi vì không những giầu kinh nghiệm mục vụ, cha Khánh còn có một căn bản thần học vững chắc nhờ việc học hỏi, đọc sách báo và theo dõi tình thế liên tục. Cha đã viết những bài nghiên cứu xuất sắc cho báo Sacerdos là báo dành cho linh mục ở Việt nam, và mới đây cho báo Hiện Diện, báo Dân Chúa Âu.
Đặc biệt cha Khánh đã biên soạn cuốn ‘Lược sử Địa Phận Lạng Sơn’ (Paris 1993) để kỷ niệm 70 tuổi đời (1923-1993) và 40 năm linh mục (1953-1993) . Tiếp theo, cha lại gom những bài đã viết và đăng trong các báo làm thành cuốn ‘Giáo Hội Công Giáo Giữa Những Thực Tại Trần Thế’ (Cannes 1995). Cũng với tinh thần ham đọc sách, ham viết lách và làm việc cộng tác với anh em linh mục, cha Khánh là một trong những người chủ trương và cộng tác hết mình trong việc phiên dịch bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội. Cha làm việc để nâng đỡ và khuyến khích các đàn em, và có lẽ tôi hân hạnh là người đàn em được hưởng nhờ nhiều nhất. Một thí dụ nóng hổi là : Vào trung tuần tháng sáu năm 2005, Ngài điện thoại cho tôi báo tin là ‘Bác sĩ cho biết cha bị bệnh tim nặng, muốn chữa, bó buộc phải giải phẫu. Và trong trường hợp của cha, giải phẫu rất nguy hiểm, nếu cha đồng ý, cha phải ký giấy… Bằng không giải phẫu, có thể sẽ chết sớm muộn tùy may rủi… Vì đã 82 tuổi nên cha không nhận giải phẫu… Cha gọi điện thoại báo cho tôi biết hoàn cảnh bệnh tật và quyết định ngưng công việc cha đang làm giúp tôi, là làm ‘index analytique’ của cuốn Tân Lịch Sử IV. Còn 16 trang chưa làm. Tuần sau tôi nhận được ‘coliposte’ cha gửi lên, với một lá thư từ biệt… Vì quá bận việc, tôi để yên ‘coliposte’ ở góc phòng… Hai tuần sau, tức 14.6, cha điện thoại cho tôi và bảo ‘bệnh xem ra khá rồi, tôi sẽ cố lên giúp cha cho xong phần Index, kẻo tội nghiệp cha ! Vậy chiều thứ ba 21.6 tôi sẽ lên và sẽ cố làm xong trong 10 ngày’.
Cha khánh đã làm đúng chương trình. Sáng thứ bảy, 02.07.05 cha rời Paris để kịp về làm lễ chủ nhật đầu tháng cho Cộng Đoàn Cannes-Nice, 03.07.05… Mọi người đều nhận thấy ‘Cha Khánh luôn vui vẻ, hầu như không ai biết cha đau bệnh’… Chúa đã gọi cha Khánh ‘bất ngờ như kẻ trộm’ ! (Mt 24, 43-44). Sau ba ngày, nhiều người quen nghe tin cha đã đi Paris về, họ gọi điện thoại thăm cha, nhưng không có trả lời… Và sáng thứ năm Cha Sở đã mở cửa vào phòng, cha sở kinh hoàng vì ‘cha Khánh đã chết’. Theo bác sĩ khám nghiệm, có lẽ cha Khánh đã từ trần sáng thứ hai, 04.07.05 !
Cả cộng đoàn Việt nam Cannes-Nice, cả giáo xứ Notre Dame de Bon Voyage, tất cả những người quen biết cha Khánh đều ‘thẫn thờ, sửng sốt cảm thấy một sự mất mát lớn lao’ !… Nhưng ngày lễ an táng của cha Khánh, quả là một ngày hy vọng, kín đáo nhưng tràn đầy và bộc lộ trên khuôn mặt của những người đến cầu nguyện và tiễn đưa cha với lời hát mở lễ “Si nous mourons avec Lui, avec lui nous vivrons ; si nous souffrons avec Lui, avec Lui nous régnerons ; En Lui sont nos peines, en Lui sont nos joies, En Lui l’espérance, en Lui notre amour !”. Nhà thờ Notre Dame chật ních với gần 300 người tham dự, trong đó có chừng 60-70 người Việt Nam, công giáo hay không công giáo, cùng dâng lễ với cha Chính Địa Phận thay mặt Đức Giám Mục đang đi vắng, và 40 linh mục đồng tế, trong đó có 7 linh mục Việt Nam. Thánh lễ bắt đầu lúc 16 giờ và khi tan hàng ra khỏi hầm mộ, nơi cha Khánh an nghỉ chung với các linh mục quá cố của giáo phận Cannes-Nice là 19g30. Lúc đó, ánh nắng trời hè đã nhạt mầu… “Requiem aeternam in pace dona ei, Domine !”….
Lm Mai Đức Vinh