Hành trình nhân chứng đức tin của Trương Vĩnh Ký
Phạm Bá NHa
Về mặt tôn giáo, nhiều người có cái nhìn chung về Petrus Trương Vĩnh Ký, là người vừa có lòng yêu nước vừa là tín hữu trung kiên tốt lành :
- Ông Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố viết : Cái gì đã hỗ trợ Petrus Ký trong nhiệm vụ ; cái gì đã tạo nên hiệu quả cho những nỗ lực của ông cũng như sự thống nhất đời ông, đấy chính là tình YÊU NƯỚC của ông, tình yêu xứ Nam Kỳ mà ông thường gọi đùa là MẸ THÂN YÊU.
- Ông Jean Bouchet, sử gia Pháp đã viết kỹ hơn : Ta nhìn lại và rút tỉa ở cuộc đời tiên sinh một bài học qúi giá về lòng tin tưởng ở sức mạnh của chí cương quyết. Sự tin tưởng ấy chiến thắng tất cả mọi trở lực, miễn là nó bền bỉ và quả quyết. Thật là đẹp đẽ cuộc đời cần cù của tiên sinh, cuộc đời đem vinh dự về cho làng mạc quê hương và cho cả nước VN, nơi tiên sinh đã để lại nhiều công trình, nỗ lực lớn lao... Cuộc đời của tiên sinh tóm trong mấy chữ : bác học, tâm thuật và khiêm nhượng’’. (Jean Bouchot, Petrus Ký, savant et patriote cochinchinois. Nguyên Hương dịch : Petrus Trương Vĩnh Ký, một học giả Nam Kỳ, Saigon 1925 tr. 171)
- Tác giả Nguyên Hương cho rằng : Petrus Ký là tín đồ mộ đạo, nhưng không say mê cuồng tín, yêu nước nhưng trước thực trạng bi đát của nước nhà Trương Vĩnh Ký sáng suốt như ước đoán được những ngày tàn tạ suy vong khó tránh được cho xứ sở, nếu không kịp thời báo nguy. (Nguyên Hương. Petrus Trương Vĩnh Ký. Văn Hóa Tập San. tập XIV, tr. 1713)
- Ông Hồ Hữu Tường ghi nhận : Riêng đối với nhà trí thức Trương Vĩnh Ký, chuyến đi Pháp đánh dấu một cái quanh trọng đại trong tâm tình. Ở Pháp ông đã tiếp cận với nhiều nhà trí thức và xuyên qua những nhân vật này ông làm quen với những trào lưu tư tưởng tiến bộ Âu Châu. Là con chiên ngoan đạo, Trương Vĩnh Ký được vạch mây mù mà thấy được Thiên Chúa giáo nguyên thủy. Qua Mặc dù những tác phẩm về Thiên Chúa giáo nguyên thủy bị Tòa Thánh Vatican cấm đọc. Nhưng ông đã lén đọc và tiêm nhiễm cái tinh thần phục vụ đại chúng bình dân và nghèo khổ, mà Đức Giêsu và 12 Tông Đồ khi lập giáo đã truyền bá. Đây là một cuộc thay đổi âm thầm trong tâm tư. (Hồ hữu Tường, thuyết trình tại Trung Tâm Văn Bút Sàigòn, 28-7-1974).
- Quan thông ngôn Lê Phát Đạt gặp Petrus Ký sống trong cảnh thanh bần đã khoe tài làm giàu của mình, Petrus Ký khuyên : ‘‘Này cháu ơi, chớ vội vui mừng. Đương lúc vui, nên gẫm mà buồn lần lần đi. Đến khi nguy khốn dễ đuổi tan sầu não. Trong khổ cực, là biết nghĩ đến vui mừng, thì hãy vui. Việc gì cũng có trả có vay’’. (Hồ Hữu Tường, Hiện tượng Trương Vĩnh Ký, Bách Khoa Giai Phẩm, số 414, 1974).
Qua những nhận xét trên, trong bài này trình bày về Trương Vĩnh Ký là nhân chứng về sống đức tin trong thời kỳ bách đạo.
ĐẦU XANH ĐÃ VƯƠNG TỘI TÌNH GÌ ?
Bà Nguyễn Thị Châu, người Cái Mơn, Vĩnh Long, là thân mẫu của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837-1898) lập gia đình với ông Trương Chánh Thi, trở lại đạo công giáo và là võ quan dưới triều Minh Mạng, trấn đóng biên giới Cao Miên. Từ ngày lấy chồng, một mình ở nhà nuôi con. Con gái lớn mất khi còn nhỏ, trong thời gian chồng đi lính xa. Khi chồng về thì con gái đầu lòng đã chết mà chưa kịp đặt tên. Rút kinh nghiệm, lần này khi trả phép ông dặn vợ đặt tên cho những người con kế là : Sử, Ký, Đại, Việt. Vì thế, bà có hai con trai tiếp là Trương Chánh Sử và Trương Vĩnh Ký.
Ông Thi đã được cố Hòa, linh mục Thừa Sai đã dạy giáo lý, rửa tội và kết duyên nên nghĩa vợ chồng qua phép hôn phối. Chú rể đã 30 tuổi, cô dâu mới 18 xuân xanh. Một sự giằng co quyết liệt trong con người ông Thi là : Đã là quan thì phải bỏ đạo. Đây ông lại theo đạo lấy một tín đồ đạo gốc. Vì thế viên sỹ quan này là cái gai trong triều đình bấy giờ.
Trương Vĩnh Ký sinh ngày 06-12-1837, tại Cái Mơn, Vĩnh Long. Tên rửa tội là Jean Baptiste, tên thêm sức là Petrus. Vừa mới lọt lòng mẹ, bé chưa kịp khóc, thì Cái Mơn đã chìm trong mùa lửa cháy. Lửa bốc cháy khắp nơi, nên mẹ bé chỉ kịp vơ vội chiếc áo của chồng cuốn cho con, chạy xuống chiếc xuồng nhỏ theo ông bà ngoại chạy thoát quân lính triều đình truy bắt. Sau một ngày, ông ngoại dựng tạm chiếc lều tre trên bãi đất trống cho mẹ con thơ nương thân. Trong căn lều này, bé đã khóc 9 ngày 9 đêm. Cả nhà chỉ còn biết cầu nguyện. Ông ngoại của bé đã chuẩn bị cho bé chiếc quan tài bằng gỗ mít. Tới ngày thứ 10, bé im tiếng khóc. Được tin vợ sanh, ông Thi về thăm, thấy con ông ôm con khóc lặng người. Thời kỳ này, Minh Mạng ra 3 chỉ dụ ngày 06-01-1833, và ngày 25-01-1836 nhằm : ’’triệt hạ tận gốc tín đồ Gia Tô’’ ; và chỉ dụ ’’sát tả’’ ngày 05-06-1938. (Trương Vĩnh Ký, bi kịch muôn đời. Chương 1)
Năm Ký lên 3, bố về thăm và trước khi đi, ông xin ông ngoại đổi tên con là Trương Vĩnh Ký thay vì có chữ lót như Trương Chánh Ký. Không ngờ đó là lần cuối cha con vĩnh biệt nhau.
Năm 1840, mới lên 3 tuổi, Ký mang trên đầu 3 chiếc khăn tang : tháng 2, bà ngoại mất vì kiết lỵ. Tháng 6, ông ngoại bị lính triều đình đập vồ vào đầu, óc phụt ra ngoài, xác bị ném xuống rạch Cái Mơn. Tháng 9, đầu thời Thiệu Trị, bãi bỏ việc bảo hộ Cao Miên, và do sắc chỉ cấm đạo buộc binh lính, quan chức trong triều bỏ đạo. Lãnh binh Trương Chánh Thi về qui ẩn tại Cái Mơn và qua đời tại đây. Ông về vào đúng lúc làng quê đổ nát, tan tành, 20 người bị chém đầu, bị treo cổ, bị cột đá buông sông Cổ Chiên, 3 người bị lăng trì.
LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN
Đang lúc dân chúng tán loạn, Bà Châu ẵm vội hai anh em Sử-Ký chạy thoát khỏi vòng lửa đạn. Bà Châu tay dắt bé Sử, 4 tuổi, bên hông ẵm bé Ký. Ba mẹ con chạy dọc theo bờ rạch, thì có ông lão giả dạng chài lưới, gọi với rồi chở ba mẹ con đến một đống rơm ở đầu thôn. Ông bắt 3 người chui vào đấy. Ba mẹ con ở trong đó 3 ngày 3 đêm. Ngày ngày ông lén lút đem dúi cho giỏ cơm với mắm tép rang mặn. Sau khi tình hình yên ổn, ông đem ba mẹ con về dựng lều trên nền đất tro tàn đổ nát của thôn làng cũ. Mẹ góa con côi sống qua ngày. Ông lão chài kia bà đã nhận ra không ai xa lạ đó là thầy đồ Học, người Phật giáo và trí thức, không chịu ra làm quan. Ông mở lớp dạy trẻ con trong làng, về chữ thánh hiền. Những ngày êm ả này, có thày giảng tên Tám lui tới dạy kinh bổn. Còn anh em Sử đến nhà thày Học để học chữ. Ở nhà bà Châu dạy con về tục ngữ ca dao bằng những bài hát ru con. (sđd. Chương 2 và 3)
Đầu thời vua Thiệu Trị, việc ‘‘sát tả’’ giảm. Dân chúng dễ thở hơn. Gia đình bà Châu thật hạnh phúc. Cậu Sử khôn ngoan lanh lợi. Ký thông minh, sáng suốt trước mọi vấn đề. Đó là điều an ủi cho bà Châu. Thày Học thuyết phục bà Châu đem được Sử lên tỉnh Vĩnh Long học. Ký ở nhà vùi đầu vào thùng sách của bố để lại. Vì xưa bố là quan văn mà phải hành sự như là quan võ. Trong thùng sách có cuốn Thánh Kinh bằng tiếng La tinh, Ký không đọc được. Nhưng may quá thày Tám dạy Ký học Latin, trong 6 tháng Ký đã đọc và hiểu hết. Linh mục Thừa Sai Charles Emil Bouilleveaux Long (1823-1913) từ Paris đến phục vụ tại Cái Mơn, và nhờ Ký dạy tiếng Việt và sau này chính Cha đem Ký vào học ở tu viện Cái Nhum, vì chưa có chủng viện đào tạo.
Sóng gió lại đến, một hôm họ Cái Nhum bị bao vây, giáo dân hoảng sợ đem ảnh tượng chôn dưới đất, trong chum vại, đút vào bụi rậm ngoài vườn tược. Chủng viện Cái Nhum bị lục soát. Cố Long và Ký chạy thoát dọc theo bờ rạch, đi tới gần trưa mới thấy được chiếc xuồng, gọi vào xin chở qua bên kia sông Cổ Chiên. Xuồng vừa tới bờ, thì có một viên quan chạy tới để nhận hai ‘‘tà đạo’’. Ngay lúc ấy, Ký nhận ra viên sỹ quan là bố của hai người bạn học cùng lớp của thày Học. Viên sỹ quan già suy tư, nhìn trời và bày mưu bảo hai người nhảy xuống sông, đồng thời viên sỹ quan hô to .. bắt lấy.. bắt lấy. Nhưng không có ai nhảy theo. Thế là cha Long và Ký bơi thoát qua bên kia sông. Những lúc tán loạn ấy, bà Châu một mình chạy bán sống bán chết mặt chúi xuống bùn. Như nhiều lần trước, khi trở về nhà bà chỉ còn là đống tro tàn (sđd. Chương 8).
Năm 1848, trải qua một tháng trên đường đầy hiểm trở, nhiều lần tưởng chết, toàn ngủ bờ ngủ bụi, hay trong các chòi vịt, không dám vào nhà ai. Một lần ở trong vườn hoang, cha Long bị sốt rét, không chăn mền, nhờ một người trong xóm cho được cùi rơm, làm mồi lửa sưởi ấm cho cha. Sau cùng cố Long đã đưa Petrus Ký và 9 chủng sinh khác qua tới Pinalu, trung tâm truyền giáo ở Đông Dương, cách Nam Vang 6 dặm. Đây là nơi gặp gỡ nhiều chủng sinh các nước Á châu : Thái, Miên, Tàu, Lào, Triều Tiên. Cha Hòa làm giám đốc. Lớp học có 25 người, Ký học luôn đứng đầu lớp.
Năm 1852, sau 4 năm học, các Thừa Sai đã khám phá ra Ký là một thiên tài và chọn Ký gửi qua học bên Paulo Pénang, ở Mã Lai. Cùng đi có Vương Thừa Vũ người Trung Hoa, và Malachai người Xiêm. Ký là người nhỏ con nhất, lại mang nhiều sách nặng nhất. Giao thông khó khăn, đi băng rừng vượt núi qua ngả Xiêm mới tới được Mã Lai. Tới Pénang, Thừa Sai Dominique Lefebvre (1810-1865) ra tận bến tàu đón ba chủng sinh. Cha Lefebvre đã tới VN năm 1835, bị bắt giam rồi bị trục xuất về Pháp. Rồi từ Pháp cha đi Roma, về Ma Cao để trở lại Pénang. Ở Pénang Ký mải mê đọc sách trong thư viện, nhiều lần tới khuya quên ăn, chính cha Lefebvre dẫn vào bếp xin cơm cho Ký ăn. Những bài anh đọc tới lần thứ hai là kể như đã thuộc. Nhờ vậy, Ký thông thạo thêm 14 thứ tiếng. Ký đã được giải thưởng 100 bảng Anh do toàn quyền người Anh ở Pénang treo giải thưởng viết bằng tiếng Latin. Được tiền thưởng Ký ra chợ mua 8 sấp vải Bombay để dành tặng mẹ. Nhưng Ký nghĩ là không biết đem vải về mẹ có may mặc hay lại đem cho người khác. Vì khi ở bên nhà, lúc anh Sử tặng mẹ sấp vải thô dệt tay, mẹ không may, mẹ đem tặng cho bà cụ trong xóm. Nếu có mua được mớ tép, kho lên, mẹ húp chút nước, còn tép lại để cho hai con ăn. Ký nhớ, khi bà cụ ấy mất, mẹ qua viếng thấy bộ quần áo mới bà cụ mặc khi nằm xuống là vải mẹ tặng. Lúc ấy mẹ nói : cả đời thiếm ấy, khi nằm xuống mới có bộ quần áo mới. Đối với mẹ ‘‘cho là được’’. Ký còn định mua thêm như thuốc bắc, sâm cao ly... Nhưng Ký hoàn toàn thất vọng vì bà đã ra đi trước khi nhận quà của con, năm 1857.
Những năm ở Pénang, ai cũng công nhận Petrus Ký là thần đồng trong những bạn đồng khóa. Vì thế Ký được chọn đi La Mã học. Và mặc dù tinh hình chỉ dụ sát tả mới ban hành ngày 07-06-1857, ngày càng gắt gao tại VN, và nhiều cạm bẫy, Petrus Ký vẫn xin về thụ tang mẹ. Vì tội bất hiếu là tội nặng hơn các tội. Đấy là lý do Ký xin về, để che dấu muốn sống những ‘‘ngày trên thánh giá’’ như mọi người trong làng nước (sđd. Chương 15).
Năm 1858, cùng về VN với Petrus ký có Phan Thanh Long người Gia Định và Lê Huy Tốn người Ninh Bình. Tàu ghé Hạ Châu rồi mới về Bến Nghé (Saigon). Nghe tin Ký về, nhiều tác giả đến tặng sách. Ký mang về 11 thùng sách.
HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Lần về cũng gian truân như khi đi, đất nước đang tràn ngập khói lửa vì lệnh cấm đạo. Hải cảng lớn không vào được, tàu đành ghé Cần Giờ. Ba học sinh và 11 thùng sách của Ký được chú Ba Cần Giờ chở đi trốn sâu vào rừng đước. Một lúc sau, chú cho thuyền tạt vào một chòi lá cao hơn mặt nước độ một thước. Nơi đây có cả bàn thờ Chúa. Ba người thở phào nhẹ nhõm, tắm rửa và đọc kinh chung. Chú Ba dọn cá nướng như ‘‘cả nước đón mừng ba cậu về’’. Trong bữa cơm, chú Ba kể mình ở Chợ Quán. Nhà bị đốt sạch như bao gia đình khác, chú đem Chúa ra đây thờ. Giáo dân chết như rạ. Chú Ba dặn ba thanh niên : Các chú về giữa thời loạn. Thánh giá đặt đầy giữa đường coi chừng đi qua dẫm lên, là chết. Chặt đầu, treo ngay ở chợ. Ban ngày đi tỏ vẻ phân vân, e dè, dò đường là . . coi như rồi. Đi đêm dễ hơn, đèn tù mù ít ai thấy rõ mặt.
Phan Thanh Long muốn về nhà trước, chiều lòng chú Ba chở Long cặp thuyền ở một khúc vắng, để Long về Gia Định. Ngay sau đó chú Ba nghe nhiều tiếng huyên náo. Thì ra vừa đi không xa, Phan Thanh Long bị bắt, đầu bị chặt treo ở ngoài chợ (Chương 17). Chú Ba thuê ghe chở Ký về Rạch Giá, từ đây về Long Xuyên. Sách vở để lại chòi vịt của chú Ba Cần Giờ. Trên ghe về Long Xuyên, Ký phải giả vờ làm người đau bụng đắp mền rên la mới qua được 6 điếm canh. Và sau cùng Ký về được đến Cái Mơn, không còn nhà thờ và chủng viện. Tất cả đều đổ nát. Vui mừng Ký gặp lại anh Sử vào buồi chiều, gần tối. Sử kể lại cho em về những ngày cuối của mẹ. Và lặp lại lời mẹ dặn : Đất nước này tổ tiên tạo lập, để lại phải giữ. Nhà mình đạo gốc, gì cũng không được bỏ đạo. Chúa sẽ cứu rỗi linh hồn hai con. Sử lúc ấy đã có vợ và 2 con. Sử khuyên em nên trở lại La Mã học như các Thừa Sai mong đợi. Ký trả lời : Em quyết về. Có thể đây là lần đầu tiên em không vâng lời các Thừa Sai. Dẫu mẹ không còn trên đời này, nhưng còn Quê Hương. Quê Hương mình trù phú lắm. Tổ tiên mình chạy dạt về đây, gặp hòn cù lao sình lầy, vô chủ. Nhưng có nước ngọt. Chịu cực trăm bề chịu khổ nghìn bề để tạo lập vùng đất mới cho con cháu... Anh đừng thất vọng ; Em hoàn toàn không muốn làm linh mục, làm nhà truyền giáo. Em thấy mình không hợp với cương vị thiêng liêng mà Chúa ban. Em có đọc kỹ những chỉ dụ sát tả của nhà vua. Chúa cứu thoát em khỏi chết lần này. Em nghĩ, có chết, em sẽ chết trên đất nước mình, quê hương mình (ssđd. Chương 18).
Năm 1859, vui nhất là Ký gặp lại Thầy Học, Thừa Sai Hòa. Hai người đã khai tâm cho anh hồi còn nhỏ. Cha Hòa kể lại nhũng vụ tử đạo ở Cái Mơn, trong những ngày Ký không có nhà : Một hôm lính ập vào bắt thánh trùm họ Emmanuel Lê Văn Phụng, thánh linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, điệu hai vị ra trước bàn thờ, lột trần trước nhà tạm, chém mỗi người 5 nhát gươm. Cùng bị bắt có 32 giáo dân (sđd. Chương 20).
Sau khi ở Penang về, Ký bỏ áo nhà tu. Thừa sai Hòa nhờ Petrus Ký dạy học tại chủng (tu) viện Cái Nhum, trong xứ Cái Mơn. Nhà thờ và tu viện đều mới được cất lại bằng tre, cây tạp, và lá dừa nước. Sáng anh tự nấu cơm ăn với mắm kho, chiều về thăm mộ mẹ. Tối anh chong đèn dầu soạn bài. Với phương pháp sư phạm mới, anh dạy tiếng Pháp và tiếng Latinh. Chủng sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Học hành mà thầy trò học sống hồi hộp lo sợ. Khi nào có ám hiệu báo động thì cả lớp quơ vội vàng giấy mực... chạy.
Một hôm trong thân mật, Thừa Sai Hòa lại đặt vấn đề với Petrus Ký là chọn anh gửi đi học bên La Mã. Nhưng Petrus Ký rất mực từ chối, viện lý do : con buồn, nhưng con không thể nào bỏ quê hương xứ sở mà đi đâu được. La Mã không có sức thu hút đối với con. Quê hương con nghèo, lạc hậu quá. Dân quê khốn khổ, khốn nạn quá. Vua quan kiêu căng và bạc nhược, đẩy dân chúng tới khốn cùng bạc nhược. Thừa sai Hòa khó mà làm thay đổi được quyết định của học trò ngoan đạo này. Ngài nói : Bây giờ thì cha hiểu được nền tảng xã hội VN mà con đã giảng cho cha. Đó là sự can thiệp của ông bà, quyền hành của người cha và lòng hiếu thảo của con cái.
Ngày 09-12-1858, tu viện Cái Nhum bốc cháy, nhà thờ Cái Mơn bị đốt. Trương Vĩnh Ký tìm đường chạy ra khỏi Cái Mơn. Chạy suốt đêm, mệt quá, tới sáng anh dừng lại trước căn nhà ven bờ sông Hàm Luông. May quá, chủ nhà đã lớn tuổi cho trú ngụ, tiếp đón và cho ăn uống tử tế. Chủ nhà tên là Quản Phụng bạn cùng đi lính và làm việc với bố Trương Vĩnh Ký bên Nam Vang. Đêm lửa cháy đó, Cái Mơn có 14 hương chức bị bắt. Hai nữ tu là Marthe Lành và Ngọt bị bắt giam. Ở nhà Quản Phụng ít bữa, vì sợ mình là ‘‘người có đạo’’ sẽ bị quan quân lùng bắt mà liên lụy đến chủ nhà, nên Petrus Ký xin đi khỏi nhà chủ (sđd. Chương 20).
Vừa ra khỏi nhà thì gặp đám lính đang rượt đuổi bốn tín đồ ‘‘Gia Tô’’ ở ngã ba Cây Gáo. Bốn người bị lột trần truồng, cột dây ở hai chân cho bò kéo ngược về chợ Tân Trụ. Sợ quá, anh trèo lên cây thị nhìn xuống thấy người ta bằm bốn người anh hùng tử đạo ra nhiều khúc. Người bu xem rất đông, nhưng không ai trong bốn người than khóc kêu ca. Không chịu nổi cảnh đau thương, anh vừa trụt xuống khỏi cây thị, thì bị bắt ngay. Quan quận là Trần Lĩnh ra lệnh trói anh vào gốc cây mận đầy kiến. Tới tối, nghe có tiếng người đến gần, anh nhắm mắt chờ một mũi gươm, một nhát vồ. Trần Lĩnh không giết mà cởi trói cho anh. Anh ngạc nhiên vì ông mới ra lệnh trói anh, bây giờ lại thả. Quan nói : Chạy đi. Ta không lệnh trói cậu thì quan huyện trói ta. Nhưng ta không thuộc bọn họ. Chiều hôm sau anh đi theo bờ rạch ra sông Hàm Luông rồi về sông Tiền. Nhiều ngày sau anh không ngờ mình lại vượt qua cái chết nhờ một người tốt như vậy.
Đang chờ thuê thuyền đi Bến Nghé, tìm lại 11 thùng sách gửi khi mới về nước, nhưng lại sợ ‘‘kẻ gian’’. Đứng mệt người, run sợ, thì có chiếc thuyền lan nhỏ rê vào bờ, cho quá giang. Chủ thuyền mời anh xuống. Rụt rè lo sợ bước vào khoang thuyền, anh thấy trong thuyền có bàn thờ Chúa. Qua tâm sự, biết người lái thuyền là cụ già 87 tuổi. Sau khi vợ con bị lính triều đình giết hết và đốt sạch nhà cửa. Ông đã dùng thuyền làm nhà ở và đón tiếp những tín hữu lánh nạn như Petrus Ký. Ông gọi lính triều đình là ‘‘quân Giuđa’’. Mỗi tháng ông giúp 5, 7 người thoát cảnh bắt bớ. Ông đã giúp anh tìm được nhà chú Ba Cần Giờ, có lều vịt. Nhưng chú Ba cũng bị giết. Chỉ còn người con trai 13 tuổi sống sót. Cậu bé tên Lo đã kể cho Ký hay, có một ông Trùm ở Chợ Quán bị giết vì khi đào vườn thấy Thánh Giá chôn giấu ở vườn sau nhà.
Petrus Ký được người tín cẩn dẫn đường trở về Chợ Quán bằng ghe nhỏ. Chợ Quán bị đốt đi đốt lại tới 6 lần, bị ruồng bắt và truy đuổi. Nhưng rồi nhà vẫn mọc lên, các Thừa Sai và tín hũu lại lục tục kéo nhau về. Từng nhà từng nhà, họ âm thầm giữ đạo. Trong một căn nhà lụp xụp, Petrus Ký gặp Thừa Sai Dominique Lefebvre, Ký tròn xoe mắt nhìn cha. Cha ôm Ký :
- Cha không nghĩ còn gặp lại con.
- Con cũng nghĩ không có ngày này.
Đêm ấy, hai cha con ngồi trên tấm giát tre, bên ấm trà, trước ngọn đèn tù mù. Ký nhìn cha :
- Vì sao cha trở lại nơi cha từng bị bắt, bị tống ngục và cũng là nơi ở chủng viện Pénang cha khuyên con đừng về. Cha Lefebvre từ tốn trả lời :
- Bổn phận của con là học. Bổn phận của cha là truyền giáo. Mỗi người phải hiểu rõ. Chúa cho con trí thông minh. Chúa muốn con phải làm nhiều việc cho đạo Thánh của Người. Còn cha đã hết thời đi học. Bổn phận cha là tới những nơi con chiên khổ cực cơ hàn nhất, bị giày xéo khốn cực nhất. Và Đức Giáo Hoàng Leo XIII khuyên cha trở lại đây, tiếp tục làm bổn phận của một thiên sứ.
- Thưa cha, con thấy tình hình nước con ngày càng căng thẳng. Các cha Thừa Sai và giáo dân đang là nạn nhân oan uổng của triều đình. Nhất là sau khi hạm đội Pháp nổ sùng chiếm Đà Nẵng.
Cha Lefebvre chậm rãi tiếp lời :
- Cha rất lo cho con, hãy còn chưa muộn, nếu con quyết định đi La Mã. Cha sẽ lo liệu cho con. Khi nào đất nước yên hàn con sẽ về.
Trương Vĩnh Ký nhìn cha nói :
- Thưa cha, dẫu thế nào đi nữa, con vẫn muốn ở lại đất nước con.
Một lần nữa, linh mục thừa sai này lại bất lực trước một thanh niên ngoan nết và ngoan đạo. Cha Lefebvre sau làm Giám Mục đầu tiên của Tây Đàng Trong (Sàigòn) từ năm 1844 tới 1863, và qua đời tại Marseille, ngày 30-04-1865 (sđd. Chương 21).
Tình hình trong đất liền thật gắt gao vì quân triều đình truy bắt gắt gao, Petrus Ký ra tạm lánh ra trú ngụ trong một chiếc lều lá ở Cần Giờ. Nhưng cũng không ổn, anh lại trở về sống chui rúc dưới hầm trong căn nhà lá ở Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Huệ). Trong giai đoạn này, Thánh Linh mục Lê Văn Lộc và hàng chục giáo dân bị xử trảm, ở Trường Thi (nay là đường Hai Bà Trưng). Các Thừa Sai lại có dịp nhắc lại việc Petrus Ký đi La Mã, và thu xếp cho một sỹ quan hải quân Pháp chở đi. Ký khôn khéo từ chối.
Năm 1859, súng nổ ở Vũng Táu, rồi quân Pháp chiếm Gia Định. Thừa Sai Lefebvre giới thiệu Petrus Ký làm thông ngôn để giải quyết tranh chấp Pháp-Việt bằng thương lượng hơn là bằng súng đạn. Từ đây Petrus Ký làm hai việc song song, vừa quảng bá chữ quốc ngữ vừa bảo vệ quyền lợi dân tộc bằng tài ba ngoại giao (sđd. Chương 22).
THÀNH TÂM ĐẾN GIÂY PHÚT CUỐI ĐỜI
Cuối đời ông bị bệnh khái huyết, chính bà Thọ là vợ đã sắc thuốc và chăm sóc ông những ngày cuối. Những ngày trên giường bệnh, Petrus Ký cho gọi các con lại bên cạnh trăn trối, ông khuyên các con đừng vào dân Pháp, nước VN sẽ mất đi một công dân nếu một người trong các con nhập quốc tịch Pháp’’ (Le Vietnam perdra un citoyen, si l’un de vous adopte la nationalité française. x. Trương Vĩnh Lễ, Vietnam, Où est la vérité, tr; 33). Rồi hôm ấy chờ cho con cháu ngủ say, ông nói với bà Thọ :
- Sinh lão tử qui, không ai qua khỏi. Ở tuổi này tôi nghĩ tới trở về với Chúa cũng không sớm sủa gì nữa.
Bà Thọ nói :
- Chẳng ai sống đời được, có điều sống được ngày nào cho con cháu chúng mừng ngày đó. Chỉ mong ông cố thuốc thang và bớt làm việc. Đời ông, tôi chưa thấy lúc nào ông được nghỉ ngơi.
- Tôi thấy mình chưa làm việc được bao nhiêu... Nhưng coi lại, quả tôi cũng đã hết sức rồi. Sinh ra giữa thời loạn..., không phải không có lúc tôi mất phương, lạc hướng. Đó chính là lúc dễ ngộ nhận, dễ lầm lẫn nhất. Lầm lẫn trong nhà thì còn hy vọng con cháu tha thứ, chứ lầm lẫn việc đại sự của nước, của dân thì ai mà tha thứ cho. Với lại, dù ai rộng lượng khoan dung thì lương tâm mình làm thẩm phán lấy chính mình, sẽ không bao giờ để mình được thanh thản.
- Trước mặt Chúa tôi luôn thấy mình thành tâm, thành tâm ngay cả khi mình lầm lẫn. Tôi hiểu, người đời sinh lão tử qui, đường đi nước bước vắn vỏi lắm, nhưng ai có phận nấy, hễ nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã.
- Thôi ông à, ở đời ăn dễ, ở khó. Mọi việc để Chúa phán xét. Nghĩ ngợi nhiều thêm bệnh.
- Mọi việc tôi làm còn lưu lại đó. Việc đúng việc sai hãy để cho đời phán xét. Đời này chưa thì đời sau tiếp tục. Trong sáng như cụ Nguyễn Du mà còn phải kêu lên không biết 300 năm sau có ai hiểu được mình, huống hồ thân tôi. Nếu tôi có ra đi trước, bà nhắc các con cháu là gia tài cả đời tôi cần mẫn, chăm chút để lại cho chúng toàn là sách. Hãy giữ gìn, hãy nâng niu và hãy trao lại cho người biết qúi trọng nó (Năm 1958, sách đã trao tặng Viện Khảo Cổ Sàigòn).
Ông cố rán nói thêm : Con người sống không có sách, thật khó mà thoát khỏi cảnh ngu muội. Con người ngu muội khó mơ ước tới xã hôi văn minh, xã hội dân chủ, tự do.
Tới đây cơn bệnh hoành hành, làm ông ho rũ rợi. Ông ôm ngực, và lại ho từng tràng dài... Xong cơn họ, ông ngồi thở, như hụt hơi. Hôm ấy, như thường lệ, bà Thọ canh xong siêu thuốc, bưng lên hy vọng... Thì thấy ông gục mặt xuống mặt bàn, tay không rời quản bút, trên những trang tự điển của nhà văn Pháp Emile Littré (1801-1881) tặng, sách đang mở ở trang 465. Tay trái ông giữ cuốn ‘‘Bình Sanh’’. Tay phải vẫn cầm chặt cán bút, đầu ngòi bút chúc xuống, óng ánh sắc mực. Nhìn ông như đang làm việc, và như vừa ‘‘mới chợp mắt một tý’’.
Lấy hết can đảm, bà Thọ lay ông. Nhưng ông không dậy nữa. Chén thuốc cuối cùng đã rớt xuống bàn làm nhòe cả những trang sách. Bà Thọ lắc đầu : Ông ấy sống thuộc đời. Ông ấy đã ra đi thuộc Chúa. Hôm ấy là ngày 01-09-1898. Có mặt trong lúc này có các học trò là Trương Minh Ký, Diệp Văn Cương. Bạn là Huỳnh Tînh Của. Và vừa là học trò vừa là con rể Nguyễn Trọng Quản. Trương Minh Ký nói với bà Thọ : Thưa bác, bọn cháu, những môn sinh của thầy, xin cố gắng tiếp nối công trình thầy đang dang dở. Nhưng công trình của thầy đều vượt ra khỏi tầm tay của họ. Nó quá đồ sộ, mà trí thức đám học trò vẫn còn quá thấp so vớ bộ óc khổng lồ của thầy mình.
Trương Minh Ký người học trò trung thành nhất đã tìm được và đọc được trong ‘‘Cuốn sổ bình sanh’’, Trương Vĩnh Ký có ghi :
‘‘Quanh năm quẩn quẩn lối đường dài
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức gởi tên con mọt sách
Công danh rốt cuộc cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bồ xối con sùng chăc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai’’
Và ông đã xin được khắc trên phần mộ bằng tiếng La tinh :
Xin hãy thương tôi, ít nhất là những bạn hữu tôi !
Kiến thức con người, có nó là nguồn sống.
Những ai sống và tin tôi, sẽ không phải chết đời đời.
(GS. Nguyễn Văn Trung dịch. Ba câu này còn tại nhà mồ Trương Vĩnh Ký)
Di ảnh đáng qúi của Trương Vĩnh Ký là đi đâu ông cũng mặc quốc phục Việt Nam.
--------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
- Hoàng Lại Giang, Trương Vĩnh Ký Bi kịch muôn đời. Truyện danh nhân.
Nhà xuất bản Văn Hóa và Thông Tin, Việt Nam, 07/2001.
- CAO THẾ DUNG,
. Trương Vĩnh Ký thân thế và hình trạng.
. Trương Vĩnh Ký trở về con đường văn hóa, văn học.
Dân Chúa Âu Châu, số 191, 09-1998, ttr. 23-31.
Phạm Bá Nha