THÁNH DAMIEN TÔNG ĐỒ PHONG CÙI ĐẢO MOLOKAI.
1. Quần đảo Hawai
Molokai là một trong tám hòn đảo lớn làm thành quần đảo Hawai nằm phía bắc Thái Bình Dương. Hawai là một trong 52 tiểu bang của Hoa Kỳ. Hawai rộng 16.600km2 với 1.106.000 dân. Người bản xứ là dân Polynésiens, hiện nay không tới 1,5%. Đa số là người lai Nhật, dân Anglo-Saxon và Philippines. Thủ đô của Hawai la Honolulu. Quần đảo Hawai nổi tiếng về núi phun lửa và bão táp thường xuyên. Nhiều lần quần đảo còn bị thay hình đổi dạng vì vụ động đất. Xét về lịch sử, thì quần đảo được dân Polyniésiens đến sinh sống từ thế kỷ V, và người tây phương khám phá ra là đại tá Kook, năm 1778 và ông đặt tên là ‘quần đảo sanwiche’. Nhưng sau một năm, ông bị người bản xứ giết chết. Từ đó quần đảo Hawai chia thành bốn tiểu quốc có hành chánh, quân đội riêng biệt. Đến năm 1795, vua Kamehameha I thống nhất quần đảo, tổ chức hành chánh, loại trừ các nhóm cướp bể gốc Tây Ban Nha. Đến đời Kamehameha ÌII tuyên bố nền độc lập của quần đảo Hawai, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng quân sự, kinh tế và tôn giáo của Anh v¢ Ph£p. Do đó, các nhà truyền giáo Pháp đến quần đảo từ năm 1827 và tin lành Mormons tới năm 1850. Sau triều đại ‘độc đoán’ (absolutisme) của Kamehameha, dân chúng đòi chế độ dân chủ và xin sát nhập thành một tiểu bang của Hoa Kỳ năm 1898. Về kinh tế, tiểu bang Hawai sống bằng nghề trồng mía, cà phê, dứa, hoa và nghề đánh cá, nghề chăn nuôi và sản xuất quần áo. Riêng đảo Molokai là đảo lớn nằm giữa quần đảo Hawai, được chọn như một địa điểm giam các tù nhân trọng tội bị lưu đầy và những bệnh nhân phong cùi vào thời ‘hết thuốc chữa’ phải sống tách biệt… Chính tại đảo này mà cha Damien được sai đến làm việc tông đồ.
2. Cha Damien trước khi đến Molokai.
Cha Joseph Damien de Veuster là người Bỉ, sinh năm 1840, lớn lên vào dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu trong tu viện Picpus tại Louvain, Bỉ, năm 1859. Cha Damien theo học tại Issy và Paris trước khi khấn trọn đời năm 1861, tiếp tục học tại đại học Louvain trong hai năm 1861-1863, và chịu chức linh mục tại Honolulu ngày 19. 03. 1864. Cha làm việc tông đô tại Hawai dưới quyền của đức cha Maigret cho tới năm 1873, cha xung phong và được chấp nhận ‘đi Molokai phục vụ bệnh nhân phong cùi biệt giam’.
3. Tình hình chung của Molokai.
Ngay những ngày đầu đến Molokai, cha Damien còn phải chứng kiến những hậu quả đau thương của vụ động đất kinh hoàng xẩy ra mấy năm trước : Hôm đó, giữa lúc linh mục đang dâng lễ, dân chúng chạy ra khỏi nhà thờ, họ bị chặn lại bởi nhiều cây to đổ xuống đường. Nhiều ngôi nhà bị tan nát. Chính thánh đường cũng hư hại… người ta tưởng như ngày tận thế đã đên nơi rồi…, nữ thần núi lửa lên cơn giận… Những ai có phương tiện, họ tìm cách trốn khỏi đảo Molokai… Chỉ một cơn lốc thổ dến ngày 17. 11. 1874 đã phá hủy 25 căn nhà, gây đổ nát 50 căn nhà khác, người ta ước lượng thiệt hại 5.000 dola… Chính đức cha Maigret khi đến thăm Molokai đã dưng dưng nước mắt và thốt lên ‘Họ đã chết, tất cả họ đã tử đạo !’.
Thời gian đầu, chính quyền còn thù nghịch với tôn giáo, họ không muốn cho các thừa sai công giáo hay tin lành đặt chân lên đảo Molokai, vịn lý do ‘bệnh phong cùi nguy hiểm phải tuyệt đối tách biệt bệnh nhân ra để tránh lây nhiễm’. Do đó, các trại phong cùi trở thành nơi không có luật pháp và không có đức tin, bệnh nhân sống lẫn lộn nam nữ, dưới màn trời chiếu đất, không được ai giúp đỡ khi hấp hối… Hơn thế, đây là nơi thường xuyên xẩy ra nhiều chuyện vô luân… Nhờ nhiều lần vận động bên các chính phủ Pháp, Anh,Hoa Kỳ, các Giáo Hội mới có thể gửi các thừa sai đến làm việc tại các trại phong cùi biệt giam Molokai…
4. Đặt chân lên đảo Molokai.
Cùng đến đảo Molokai với cha Damien và ba cha truyền giáo dòng Thánh Tâm, đức cha Maigret tiếp xúc với giáo dân sau thánh lễ tại nhà thờ thánh Philomena đổ nát. Đức cha hỏi dân chúng : « Ông bà muốn bày tỏ gì không ? ». Họ thưa : « Chúng con ở đây được chính phủ quan tâm nhiều, chúng con chỉ còn thiếu một sự là ‘thiếu sự hiện diện của một linh mục’». Đức cha trả lời : «Đúng rồi, đây cha Damien, cha sẵn sàng đến đây hy sinh cuộc sống vì phần rỗi linh hồn của anh chị em. Nhưng hiện giờ, cha chưa có nhà ở. Trong thời gian chờ đợi chúng tôi tìm kiếm, tôi xin cha hãy tạm ngủ dưới đất, ngoài trời. Bóng cây Pandanus này sẽ che chở cha Damien ». Đức cha nói thêm : «Linh mục thì luôn để tuỳ bề trên chỉ định. Nhưng một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ không bỏ rơi anh chị em, khi sống cũng như khi chết »… Giờ từ biệt đã đến, cha Damien xúc động, giáo dân òa lên khóc, đức cha không cầm nổi nước mắt, yên lặng ban phép lành cho giáo dân bệnh tật… Giáo dân đến vây quanh vị chủ chăn trẻ trung, đầy nghị lực … Vì phải giữ ‘luật tách biệt’ nên cha Damien không dám ngủ trong nhà ngủ của bệnh nhân, cha ngủ ngoài trời dưới gốc cây Pandanus… dưới sự phù trì của thánh nữ Philomena… Báo Pacific Commercial Advertiser đăng tải bài của ký giả Walter Murray Gibson : ‘Cha Damien, anh hùng kitô’.
5. Cắt nghĩa cho gia đình.
Mặc dầu được nâng đỡ nhiều bởi gia đình trong nhịp sống ơn gọi ‘tu sĩ dòng thừa sai Thánh Tâm’, lần này cha Damien phải cắt nghĩa làm sao để gia đình đồng tình với cha trong sự lựa chọn ‘xung phong đi truyền giáo cho những bệnh nhân phong cùi biệt giam ở đảo Molokai’. Cha cầu nguyện với thánh tâm Chúa Giêsu và thánh nữ Philomena mà cha hằng tôn kính, rồi cha nhờ ông chú của cha là linh mục Jacob, vừa là cha sở xứ Werchter vừa là tuyên úy nhà thương phong cùi, cắt nghĩa với gia đình để ba mẹ và anh chị em khỏi xao xuyến. Ngày 25. 11. 1873, cha đã viết thư cho gia đình, cha không nói gì đến những khó khăn đang làm cha ‘nhức đầu’, mà chỉ nói chung về tình trạng sức khoẻ, việc làm và vấn đề ăn uống… Cha kể: ‘Cha có một ông nấu cơm, cha vẫn dùng cà phê, sữa bò, ăn thịt cá, ăn cơm hoặc bánh… mọi sự bình thường. Cha vẫn giữ ký, không gầy đi không béo thêm, và vẫn mang đôi kiếng của gia đình cho… Cha kết luận ‘mọi sự nhờ ơn Chúa đều tốt đẹp’…
6. Chương trình sống :
Cha Damien đã nộp cho đức cha Maigret thời khóa biểu ‘một ngày sống’ của cha như sau:
5g00: thức dậy, dâng ngày, tắm rửa, thay đồ sạch sẽ.
5g15: ra nhà thờ đọc sách nguyện, nguyện ngắm.
6g00: đọc kinh sáng với giáo dân.
6g30: dâng thánh lễ.
7g00: dọn trật tự phòng áo, làm vệ sinh nhà thờ;
8g00: ăn sáng, làm việc…
11g30: đọc sách thiêng liêng.
12g00: cơm trưa, đi thăm bệnh nhân (nếu gần thì đi bộ, nếu xa đi bằng ngựa).
17g00: kinh chiều, giáo lý dự tòng.
18g00: Cơm chiều, làm việc…
19g00: Kinh tối, lần chuỗi… làm việc, đọc sách…
22g00: đi ngủ.
Những điều cha Damien cố gắng thực hiện trong đời sống mỗi ngày:
Không bận tâm quá về đời sống vật chất của bệnh nhân.
Không xen vào những công việc của các nhân viên dân sự, trừ những trường hợp khẩn cấp và đặc biệt, chỉ nói với trưởng ban hành sự (surintendant).
Cố giữ trật tự và sạch sẽ phòng thánh, nhà thờ, nhà ở.
Luôn ăn mặc chỉnh tề: phải dung hòa giữa sạch sẽ và khó nghèo.
Luôn niềm nở và thân tình với mọi người trong khi trò chuyện, nhưng không thái quá, và tránh ‘những câu chuyện mất giờ và vô bổ’.
Giữ vững việc kiểm điểm đời sống, hối cải và cố gắng sửa chữa mọi lỗi lầm.
Phải nghiêm nhặt với chính mình và khoan dung với người khác.
Phải kính cẩn khi đọc kinh, nguyện gẫm, dâng thánh lễ và cử hành bí tích hoặc các lễ nghi phụng vụ.
Cố sống trung thành ba lời khấn phúc âm: Vâng Lời, Khiết tịnh và Khó nghèo.
Phải tự kỷ ám thị: ‘Tôi ước ao sống và chết với Đức Kitô’ (Dissolvi et esse cum Christo).
7. Công việc tay chân.
Với chương trình sống như trên, cha Damien đảm đang mọi công việc liên hệ đến sứ mệnh truyền giáo, mà trước mắt là xây lại nhà thờ. Mặc dầu năm 1875, chính quyền gửi tới một nhóm người Trung Hoa xây cất lại nhà cửa cho dân chúng trong trại cùi. Nhưng nhà thờ thì chính cha Damien phải quán xuyến ‘kiếm tiền, mua vật liệu và tự lo xây cất’. Chỉ mấy tháng sau khi cha đến đảo, nhà thờ trở nên quá bé nhỏ. Ngày chủ nhật giáo dân đứng ngồi chen chúc, tràn cả ra ngoài. Vì thế được phép đức cha Maigret, cha Damien tìm cách nới rộng nhà thờ, và từ đó nhà thờ nhận thánh Philomena làm quan thày. Nhiều lần cha Damien không thể từ chối đến giúp sửa nhà, sửa phòng cho các bệnh nhân. Họ què quặt tay chân, không thể làm việc như ý muốn. Đợi nhân viên nhà nước tới thì đôi khi quá muộn màng. Theo quan điểm của cha, ‘nhà truyền giáo phải trở thành con người lo toan mọi việc’ (homme à tout faire).
8. Những khó khăn.
Cấm tiếp xúc trực tiếp : Chính quyền không cho các nhà truỳền giáo, tin lành hay công giáo tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân. Các ngài phải giữ ‘luật cách biệt’ (lois sur la ségrégation). Đây là điểm cha Damien không muốn chấp nhận, vì phải tiếp xúc gần kề mới hiểu được bệnh nhân, mới làm cho họ cảm thấy có sự yên ủi, và do đó mới ‘đem đức tin và tình yêu của Chúa đến cho họ được’. Nếu không đạt được điểm này thì ‘sự hiện diện và sinh hoạt của nhà truyền giáo không còn ý nghĩa. Nhà truyền giáo khác với một công chức’. Ông Trousseau, một bác sĩ người pháp đồng quan điểm với cha Damien. Theo ông, trong các nước văn minh, các bác sĩ và nhà truyền giáo không buộc phải giữ luật tách biệt. Những nhà truyền giáo cũng được hưởng các ưu biệt dành cho các bác sĩ. Chính quyền hiểu điều đó, nhưng họ không muốn tạo thêm các tiền lệ. Họ thường bảo: ‘Nếu cha Damien là một kitô giáo anh hùng thì cha phải chấp nhận các luật pháp của chính quyền’. Chính đức cha Maigret đã nhắc cha Damien ngay buổi đầu đến đảo : «Đừng tiếp xúc thể lý để tránh sự lây nhiễm » (pas de contact physique, pas de contamination). Tiếp xúc thể lý như bắt tay, cúi mình đeo giây ảnh vào cổ cho bệnh nhân…
Với anh em cùng hội dòng : Nhiều linh mục truyền giáo dòng Thánh Tâm mà đức cha sai đến phụ tá cha Damien, không đồng ý với đường lối của ngài. Đặc biệt với cha André trong việc xây cất nhà thờ, thăm viếng và tiếp xúc với các bệnh nhân, việc giữ luật ‘cách biệt’… cụ thể là việc giải tội, việc tổ chức kiệu Thánh Thể trong trại phong cùi, việc chứng Hôn Phối … Vào quãng năm 1880, André đã làm gương xấu lớn ngay tại trại phong cùi là ‘sống chung với một cô cựu học sinh của trường tu viện Picpus’ nên bề trên phải thuyên chuyển đi khỏi đảo…
Với các nhà truyền giáo tin lành : đặc biệt nhóm truyền giáo Mormons. Tuy đến đảo Molokai sau các nhà truyền giáo công giáo, nhưng họ được sự hỗ trợ đặc biệt của chính quyền Anh và Hoa Kỳ. Hầu hết các công chức lớn hay các bác sĩ là những người tin lành. Hơn thế công việc mục vụ của họ đơn giản hơn, vì không có những việc cử hành bí tích, dâng lễ mỗi ngày hay lần hạt, kiệu thánh thể… nên việc giữ luật cách biệt dễ dàng hơn. Đây là điểm họ hay khiếu nại với chính quyền vì thấy cha Damien được lòng dân chúng hơn…
9. Hoạt động mục vụ :
Giáo lý dự tòng : Ngay ngày 20. 05. 1973, cha Damien đã bá cáo cho cha Meyer linh mục kinh lược của dòng : ‘Con có nhiều tin cảm động về họ đạo của con tại đảo, và để cha biết việc làm của con ở đây : Con đã có danh sách 210 giáo dân bệnh hoạn, 20 dự tòng và 20 giáo dân ‘không bệnh tật’ (tức các tù nhân lưu đầy). Người ta còn cho biết địa điểm khác trên đảo là vùng Kahavai, có nhiều giáo dân. Người ta xưng tội rất nhiều. Con không giúp hết được những người hấp hối mỗi ngày, chỉ biết phó thác cho Chúa… xin cho con một số ý lễ và một số sách kinh để phát cho giáo dân… ». Mấy tháng sau cha Damien cho biết ‘cha đã rửa tội cho 35 người lớn, trong đó 5 người đã từ trần’. Năm 1877, đức cha Maigret lại kinh lý đảo Molokai và ban phép thêm sức cho hơn 100 người tân tòng.
Thăm viếng các bệnh nhân : Như được ghi trong chương trình sống mỗi ngày : cha Damien đi thăm bệnh nhân mỗi buổi chiều, cha đi thăm từng trại, từng khu nhà ở, nhà ăn của các bệnh nhân. Nói chuyện thân mật với họ, hỏi thăm về gia đình, về nhu cầu thiêng liêng của họ… Nhiều lần cha bị chính quyền và ban y tế khuyến cáo, cũng như các nhóm truyền giáo tin lành ganh tị, và các linh mục truyền giáo dòng Thánh Tâm phản đối.
Lo cho các bệnh nhân hấp hối : Cha Damien quan tâm nhiều đến các bệnh nhân hấp hối. Hơn thế, có những trường hợp một mình cha lo từ A đến Z. Như ngày 31. 01. 1880, cha đến tận giường một nữ bệnh nhân hấp hối, cho bà rước lễ ‘như của ăn đàng’, giúp bà chết lành, rồi tự tay đóng quan tài và đào huyệt an táng bà… Sau đó, cha viết thư cho linh mục Pamphile, anh của cha, như sau : « Như vậy, em đã sống bảy năm giữa môi trường phong cùi. Trong thời gian này, em đã có dịp tiếpcận và đụng đến sự khốn cùng của những con người xấu số đáng thương… ». Nhiều người chết không có quan tài, đành bó vải liệm xác và đem đi chôn… Đất ở đảo Molokai rất khô rắn, cha phải hì hục nhiều giờ mới đào được một cái huyệt…
Chấp nhận sự hôi hám nồng nặc : Trong một lá thư viết cho người anh là cha Pamphile, cha Damien thổ lộ : «Mặc dầu nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ, em chưa phải là người phong cùi, nhưng em đã là phong cùi giữa những người phong cùi. Vì em đã tập quen chấp nhận họ : Mỗi ngày lễ trọng, em đứng trên bàn thờ và mùi hôi thối xông lên, làm em nghĩ đến mồ của ông Lazarô. Mỗi lần em ngồi tòa, mùi hôi từ các vết thương lỏe loét xông ra làm em lợm mửa. Có lúc em phải bịt mũi lại. Cũng như vậy, mỗi lần em ban phép xức dầu cho một bệnh nhân… »
Những công việc khác : Cha tập hát cho bệnh nhân, thành lập ca đoàn, một nhóm chơi các nhạc cụ đơn giản… Cha xin hoặc mua sách báo về phát cho giáo dân như Book of Common Prayers. Cha góp phần vận động xin các nữ tu bệnh viện đến làm việc tại nhà thương trên đảo Molokai. Các nữ tu đã nhận việc từ 08.11. 1883.
Vận động lòng kính trọng các bệnh nhân phong cùi : Ngay khi đến các trại cùi biệt giam ở Molokai, cha Damien cũng như nhiều bác sĩ khác có chung một cảm nghĩ ‘Molokai là hòn đảo vô nhân đạo’. Vì thế cha tìm mọi dịp, dùng mọi phương thế đề cao giá trị nhân bản của các bệnh nhân. Cha không ngần ngại trình bày điều đó với các bề trên dòng, với các quan chức cao cấp có trách nhiệm hay chỉ vãng lai đến đảo. Phải chăng nhờ đó mà công chúa Lilituokalani một hôm đã khẳng định trước mọi người: ‘Phong cùi là chứng bệnh chứ không phải là tội phạm. Vì thế không thể vất người phong cùi, dù đã chết, xuống biển khơi như vất một con chó chết’. Những lời này đã được in ra và dán khắp nơi trên đảo.
10. Cha Damien được ân thưởng và ái mộ khắp nơi. Cuối tháng 06.1881, đức cha Kockeman, tân giám mục phó của Hawai đã đem trao tận tay cha Damien lá thư của công chúa Liliuokalani. Trong đó, công chúa bày tỏ: ‘Tôi vui mừng bày tỏ cùng cha lòng kính ái của tôi về những công trình anh hùng và vô vị lợi của cha giữa những người xấu số nhất trong quốc vương này, tôi muốn tuyên chứng công khai về sự tận tâm trung tín, nhẫn nại và khả ái mà cha đã quan tâm lo lắng về cả thể xác và tinh thần cho những người bị xa cách gia đình và bạn hữu của họ chỉ vì một chứng bệnh nan y, nguy hiểm. Ý thức rằng lòng tận tụy và hy sinh muốn giúp đỡ những người khổ đau của cha thật đáng được Đức Thánh Cha và Thiên Chúa của mọi người ân thưởng. Dầu vậy, tôi cũng xin cha vui nhận huy chương ‘Hiệp Sĩ Thượng Đẳng’ của Vương Quốc Kalakaua như một tuyên chứng công trình tông đồ và bác ái của cha. Chính mắt tôi đã chứng kiến công việc của Cha trong dịp thăm viếng Sở Truyền Giáo của cha mới đây…”. Hai tờ báo Pacific Commercial Advertiser và Hawaiian Gazette đã đăng nhiều bài khen ngợi cha Damien;
11. Cha Damien bị nhiễm bệnh phong cùi.
Bị nhiễm bệnh thật sự . Ngày 25. 02.1885, cha Damien viết cho đức cha Kockemann như sau : «Thưa đức cha, có thể con không sống bao lâu nữa. Chân con sưng lên và không chữa nổi, cho dù vết thương đã thành sẹo. Các đường gân sưng phồng lên và đau đớn lắm. Con không thể nào di chuyển nữa, con cũng không thể bỏ xa 600 bệnh nhân phong cùi công giáo, nhiều người chết không có linh mục… Quả thật, con bị nhiễm chứng bệnh ghê sợ, phải nhìn nhận sự chết đang tiến gần lại với con… Con không bận tâm về thân xác, nhưng bận tâm về linh hồn con. Xin đức cha cho con một cha giải tội tốt lành… ». Đức giám mục và nhiều quan chức và bác sĩ đến thăm cha Damien… đặc biệt vào ngày 07.10. 1885 kỷ niệm cha khấn trọn đời được 27 năm. Nhưng kể từ 10 ;02 ;1886, cha Fouesnel bề trên tỉnh dòng xin cha Damien ra sống riêng hẳn trong một phòng và không được tiếp xúc với bất cứ ai… Ngài hy vọng cha Damien sẽ được chữa lành. Theo kết quả khám nghiệm của hai bác sĩ Arning và Mouritz, thì có lẽ cha Damien đã biết mình bị lây nhiễm từ 1877, vì năm đó, cha đã viết cho Ban y tế lời lẽ như sau : «Tôi đã hy sinh sức khoẻ và tất cả mọi sự tôi có trên trần gian, vậy xin quý vị hãy tin tưởng…’. Và ngày 30.04 ;1886, cha Damien được chính thức ghi danh vào sổ những người bị bệnh phong cùi.
Thời gian chữa bệnh tại Honolulu. Tháng 07. 1886 do lời yêu cầu của thủ tướng, cha Damien được đưa về chữa bệnh tại thủ đô Hawai, và mẹ bề trên Marianne nhận chăm sóc cha. Nhiều quan khách đạo đời đã đến đón tiếp và thăm hỏi cha Damien đến nỗi nhiều người gọi đó là ‘cuộc vinh thắng tại Honolulu’ (Triomphe à Honolulu).' Ít lâu sau, cha bề trên Albert cho cha Damien hay: ‘Cha sẽ trở lại Molokai như cha mong ước, ở đó cha sẽ được điều trị theo phương pháp mới của Nhật Bản. Ngoài ra cứ hai tháng một lần, cha Colomban sẽ đến thăm cha’.
Trở lại Molokai: Trước ngày xuống tàu về đảo Molokai, cha Damien được đức cha Korkermann báo cho biết một tin vui: “Do sự quan phòng của Chúa, ông Dutton cựu quân nhân, sẽ đến Molokai phụ tá cha để thể hiện những chương trình như cha muốn. Ông đến Molokai làm việc cách khiêm tốn như một hối nhân (penitent)”. Chương trình của cha Damien là xây nghĩa trang Kalawao, xây nhà sưởi, phòng ăn, phòng tắm và nhà bếp, xây hai nhà ngủ lớn một cho đàn ông, một cho đàn bà. Và ngày 25. 08. cha Damien viết cho các bạn thừa sai: “Cám ơn Chúa, tôi còn đứng được và tiếp tục làm việc”… Lần khác cha viết: “Phương pháp chữa bệnh của Nhật Bản xem ra có hiệu quả, tôi cảm thấy được thuyên giàm…”.
12. Cha Damien từ trần :
Tin sai của nhà báo : Nhưng chả bao lâu, một ký giả lấy tin sai từ mấy cô y tá đến làm việc tại Molokai, và báo Courrier de Bruxelles đăng tải một tin vịt: ‘Cha Damien đã từ trần ngày 21. 10.1886’. Sự thực cha Damien vẫn còn tỉnh táo. Ngày 19. 03. 1889, là ngày kỷ niệm cha Damien đến đảo đúng 25 năm tròn. Nhưng vì cha đã vào sổ ‘bệnh nhân biệt giam’ nên chỉ có mẹ Judith và nữ tu Marie-Laurent đem hoa đến chúc mừng và ông Dutton cùng dùng bữa với cha.
Bệnh trở nên trầm trọng: Theo lời kể của ông Sinnett, ba hôm sau cha Damien chọn nằm dưới đất, trên rơm rạ, như một người bệnh cùi tầm thường nhất, nghèo nàn nhất. Sáng ngày hôm sau, ngài nói với ông Dutton, “Tôi đã dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa, tôi chết nghèo, tôi chẳng có gì cho tôi…” Người ta phải năn nỉ mãi ngài mới chịu lên giường, nhưng ôi, cha đã cho đi hết rồi, cho không có một tấm vải trải giường hay một bộ đồ để thay… Ngày 30. 03, cha Conrardy xin bác sĩ Swif đến thăm cha Damien. Cha từ chối không ăn gì cả. Cha bị sốt tới 39 độ. Sau trưa cha xin cha Wendelin đến giải tội chung và giúp cha đi vào cơn hấp hối. Cha Wendelin cho cha rước lễ. Ngài kể lại rằng : ‘ Hôm đó cha Damien vui vẻ khác thường. Cha bảo tôi ‘cha xem tay tôi trắng lại, các vết thương khép lại rồi, chỉ còn khuỷu tay hơi đen. Tôi ước ao gặp đức giám mục một lần nữa, nhưng Thiên Chúa nhân lành gọi tôi về cử hành lễ Vượt Qua với Ngài. Ngợi khen Chúa nhân lành. Chúa nhân hậu làm sao, Chúa cho tôi hai linh mục thánh thiện giúp tôi trong giờ sau hết của đời sống, rồi cả các nữ tu Bác Ái ở bệnh viện cũng cầu nguyện cho tôi. Bây giờ là ‘nunc dimittis’ của tôi … ». Tôi thưa với cha Damien : «Trên trời, xin cha đừng quên những người cha bỏ lại mồ côi ». Cha Damien trả lời : «Nếu tôi có chút công phúc gì ở bên Chúa, tôi sẽ xin Chúa chuyển ban cho tất cả các bệnh nhân phong cùi… » Tôi lấy một áo măng-tô quàng cho cha Damien và xin cha chúc lành cho tôi… ».
Chết tử đạo vì bác ái : Những ngày kế tiếp, cha Damien lúc tỉnh lúc mê. Bác sĩ Swif quen cho cha uống Whisky toddy để ngài hồi lại. Ngày 08. 04. 1889, đức cha Korkmann viết cho cha bề trên cả dòng Thánh Tâm : «Có lẽ cha đáng kính Damien sẽ chết vào giờ cha mong ước. Tôi hy vọng sẽ thăm lại vị tử đạo bác ái này sau lễ Phục Sinh. Cha đã thanh thỏa mọi điều chúng ta mong ước. Quỹ bác ái của cha còn 37.000 đola. Tôi sẽ cho người kế vị cha Damien được toàn quyền sử dụng số tiền này cho trại phong cùi… Khi nào cha Damien qua đời, chúng tôi sẽ tổ chức lễ an táng trọng thể cho cha ».
Đến và đi vào cùng ngày chủ nhật lễ Lá : Ch 911; nhật lễ Lá, 14. 04. 1889, cha Damien trở bệnh. Cha Wendelin cho cha rước lễ lần cuối. Bác sĩ Swif cho cha uống Whisky toddy, nhưng vô hiệu. Cha Damien vào hôn mê… Cha Wendelin, các nữ tu và bác sĩ Swif, ông Dutton và ông Sinnet quỳ quanh giường cầu nguyện cho cha Damien… Cha tắt thở nhẹ nhàng, và ông Dutton nói : “Cha đã được như lòng mong ước, cha đến đảo vào chủ nhật lễ Lá, cha cũng ra đi vào chủ nhật lễ Lá’. Thực ra cha Damien ra đi sáng thứ hai Tuần Thánh, 15.04.1889. Cha Wendelin tuyên bố: “Tôi nhìn thấy cha Damien thật can đảm, đôi mắt sáng tỏa sự chấp nhận, niềm vui và hài lòng. Môi cha không nói rõ ràng những điều lòng cha muốn bày tỏ, cha nắm chặt tay tôi cách thân tình”.
Đám tang trọng thể Tin cha Damien từ trần được các báo chí loan truyền mau lẹ. Nhiều chương trình xây cất theo phương án của cha chưa được hoàn tất. Nhà thờ thánh Philomena mới gỡ mái, chưa lập lại, nhà tạm lỗng lẫy do ông Hudson dâng cúng chưa đưa về… Tất cả mọi cơ sở của chính quyền hay tư nhân đều treo cờ tang. Mẹ Marianne và nữ tu Vincent phụ với cha Wendelin tổ chức lễ an táng. Những bệnh nhân tương đối còn khoẻ mạnh đều đến tham dự, có ban kèn đồng, có nữ sinh ký túc xá thắt giây lưng đen, có các em nam nhà mồ côi… Cha Wendelin chủ sự thánh lễ, đoàn rước xác gồm : Một người vác cây Thánh giá lớn, ban kèn trống, thành viên các hội đoàn, các nữ tu và các bệnh nhân, đoàn thanh nữ. Linh cữu do tám người phong cùi da trắng khiêng, đại diện cho người Anh, Balan, Ái Nhĩ Lan và Hoa Kỳ. Theo linh cữu là cha Wendelin, cha Conrardy và các bệnh nhân nam… Huyệt an táng cha Damien được đào dưới gốc cây Pandanus, xây và gắn xi măng vững chắc…
Sau khi cha Damien qua đời : Nhiều người cho rằng ‘cha Damien quá dấn thân, không giữ mình đủ… Bằng không cha còn sống phục vụ dân nghèo…’. Tuy nhiên mọi người, chính quyền và giáo quyền đều đồng tâm ‘tiếp nối công trình nhân đạo của cha Damien’. Một thánh lễ ‘Requiem’ được cử hành trọng thể tại nhà thờ chính tòa Honolulu. Trong bài giảng đức cha Kockermann nhấn mạnh đến tinh thần tông đồ và bác ái của cha Damien, cha xứng đáng mang tước hiệu là ‘anh hùng và tử đạo vì bác ái’. Cha không làm mất lòng ai, cha chỉ muốn theo chân Chúa Kitô, phục vụ mọi người bằng gương sáng…
Trên đường vinh quang : Ngày 27.01.1936 xác cha Damien được bốc lên, đem về Honolulu, rồi đem về Bỉ an táng trong nhà thờ của tu viện Picpus, hai tay chắp lại hướng về Hawai… Cha được phong chân phước năm 1995 bởi đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và tôn vinh hiển thánh ngày 21-10-2009 bởi đức thánh cha Biển Đức XVI.
Mai Đức Vinh