TƯỞNG NIỆM CHA CỐ LÔRENSÔ PHẠM GIÁO HÓA
TƯỞNG NIỆM CHA CỐ LÔRENSÔ PHẠM GIÁO HÓA 1919-2012
TỔ PHỤ CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI DÂN TỘC ĐỊA PHẬN ĐÀ LẠT
TẠI GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS
Trần Văn Cảnh
Paris, ngày 06.01.2013, Giáo Xứ Việt Nam Paris long trọng mừng lễ Chúa Hiển Linh. Trong năm 2013, Năm Đức Tin và Năm Mừng 25 Năm Phong Thánh 117 vị Tử Đạo ở Việt Nam, Giáo Xứ Việt Nam Paris đặc biệt hướng các sinh hoạt mục vụ vào việc truyền giáo, tân phúc âm hóa. Gương truyền giáo bằng việc xưng đạo và tử đạo, gương truyền giáo của các nhà truyền giáo và của các sinh hoạt truyền giáo, bắt tay vào làm việc truyền giáo theo hoàn cảnh của mình, đó là những vấn đề mà Giáo Xứ muốn học hỏi và thực hiện.
Ngày lễ Chúa Hiển linh 06/01/2023 hôm nay, ba thánh lễ đang được cử hành trong ba nhà thờ Công Giáo Việt Nam : tại Californie, tại Houston và tại Paris để cầu nguyện cho cha cựu bề trên Lorensô Hóa, tưởng niệm về Ngài và nhắc đến gương sáng truyền giáo của ngài ở vùng Bảo Lộc, Đà Lạt. Ở Paris này, Đức Ông Mai Đức Vinh và tôi đều là học trò cũ của cha Giáo và cựu bề trên Lôrensô. Hiệp lòng với các học trò khác trên thế giới, Tôi xin ghi lại đôi điều tưởng niệm cha Lôrenso Phạm Giáo Hóa và chia sẻ với Cộng Đoàn.
Trong bản CÁO PHÓ của Tòa Giám Mục Đà Lạt, người ta đọc được những dòng sau :
Cha Cố LÔRENSÔ PHẠM GIÁO HÓA đã an nghỉ trong Chúa lúc 08 giờ 30, thứ bảy, ngày 29 tháng 12 năm 2012, tại Giáo xứ Thiện Lộc ; hưởng thọ 94 tuổi, 64 năm linh mục.
Cha Cố LÔRENSÔ sinh ngày 08 tháng 10 năm 1919, tại Giáo xứ Kẻ Bền, Vĩnh Minh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Thụ phong linh mục ngày 03.06.1948 tại Thanh Hóa. Phó xứ Điền Hộ, Giáo phận Thanh Hóa : 1948–1949. Giáo sư Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Ba Làng, Giáo phận Thanh Hóa : 1950-1954. Giám đốc Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Thanh Hóa, ở Tân Thanh, Bảo Lộc : 1954-1957. Quản xứ Đơn Dương (Lạc Nghiệp) : 1957–1958. Đặc trách truyền giáo Thượng vùng Bảo Lộc từ 16.04.1958. Quản xứ Thiện Lộc : 1975–1993. Nghỉ hưu tại giáo xứ Thiện Lộc, Bảo Lộc từ 1993 đến nay.
1. CHA LÔRENSO GIÁO SƯ VÀ GIÁM ĐỐC TIỂU CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE, Ở BA LÀNG THANH HÓA VÀ Ở TÂN THANH ĐÀ LẠT (1950-1957).
Là bổn đạo của cha Lôrensô ở xứ Điền Hộ, nhưng năm ngài ở đó, 1948-1949, thì tôi còn quá nhỏ, không biết và nhớ nhiều về ngài. Chỉ có một hình ảnh in đậm nơi tôi : cha Lôrensô là một cha rất linh hoạt, cười nói vui vẻ.
Khi di cư vào Nam năm 1954, theo lời kể của Đức Ông Mai Đức Vinh, thì « cỡ tháng 7-8/1954, ngài cùng ba chú lớn khác được cha Lôrensô dẫn xuống Bảo Lộc, rồi cùng cha Đỗ Anh Huynh, cắm sào đo lường và tổ chức các khu sinh hoạt cho trại Tân Thanh sắp được mở đón tiếp đồng bào gốc Thanh Hóa : khu chủng viện, khu nhà dòng, khu tòa giám mục, khu nhà thờ nhà xứ, khu dân cư cho đồng bào ở. Tháng 10 năm đó, 800 nhân danh đi chuyến trong chuyến xe đầu tiên, khởi hành từ Hố Nai lên cắm lều ở và xây dựng nên xứ Tân Thanh. Không bao lâu sau, Tiểu Chủng Viện bỏ Đà Lạt xuống ở Tân Thanh. Cha Bề Trên Lôrensô và cha Quản Lý Do là hai vị năng động và hăng hái hơn cả. Các ngài dẫn các chú đi đốn cây, đi xin ván về dựng nhà, ghép vách ».
Vào Trường Thử Tân Thanh năm 1956-1957, tọa lạc sát cạnh bên ngoài cổng Tiểu chủng viện, dẫu các sinh hoạt hầu như biệt lập với Tiểu Chủng Viện, nhưng cũng có một vài sinh hoạt chung với Tiểu Chủng Viện, làm chúng tôi được biết cha Bề Trên Hóa. Cụ thể thì ở Trường Thử, chúng tôi có cha bề trên riêng là cha Bề Trên Phủ và cha bề trên chung với Tiểu chủng Viện là cha Bề Trên Lôrenso Hóa. Năm 1956-1957 là năm cuối cùng cha Lôrensô làm bề trên ở Tiểu Chủng Viện Tân Thanh. Hình ảnh đậm mà tôi còn giữ về ngài là hình ảnh một người cha từ nhân, hiền lành và khiêm nhường, tận tình lo lắng cho gia đình chủng viện, trong hoàn cảnh di cư tỵ nạn, được có phương tiện mà sinh sống và tu luyện. Đức Ông Mai Đức Vinh nhắc với tôi rằng ở với cha Bề Trên Lôrensô mình cảm nghiệm được hương vị bình dị, nhưng thơm nồng của một tình yêu quên mình và niềm vui tươi tỏa lan từ một linh mục kytô thứ hai nơi con người và cuộc đời của cha.
2. CHA LÔRENSÔ TỔ PHỤ TRUYỀN GIÁO CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÙNG BẢO LỘC, 1958-2012.
Sau khi mãn nhiệm Bề Trên Chủng Viện Tân Thanh, cha Lôrensô đã được Đức Cha Simon Hòa Hiền, giám mục Sài Gòn, bổ nhiệm làm việc truyền giáo cho người Dân Tộc ở vùng Bảo Lộc (thơ bổ nhiệm ngày 16/04/1958). Từ đó đến nay, 64 năm linh mục, 1948-2012, cũng là dấu ấn của 54 năm Cha Lôrensô dấn thân phục vụ anh em Dân Tộc thiểu số 1958-2012. Không gì ngăn cản được bước chân truyền giáo của Cha, dù tuổi đã cao, sức đã giảm, và đầu mỗi lúc một cúi sâu về Lòng Đất Mẹ mà Ngài vẫn miệt mài ra đi. Từ Madagui vào Đạ Tẻh, từ Đạ Nghịch – Tân Bùi vào Blao Sre, từ Blao Sre trở về B’Sumrắc; Từ Ferme vào Minh Rồng, vô Tân Rai; Từ Đại Bình lên B’Đơ, từ Blao xuống Định Quán….Tất cả đều mang đậm dấu ấn của Cha.
Những người Dân Tộc của rừng sâu núi thẳm, vốn đơn thành tốt bụng, dẫu chưa hiểu hết những gì Cha Lôrensô giảng dạy về Đạo, nhưng cảm nhận được tình thương yêu nhân từ, hiền lành và đơn sơ của Cha dành cho họ, nên đã tin theo và đón nhận Phép Rửa. Và khi có ai hỏi họ theo đạo nào, Tin Lành hay Công Giáo, thì họ đã xưng mình theo “Đạo Bạp Hóa”, “Đạo Cha Hóa”. Nhà thờ Thiện Lộc được người dân địa phương biết đến với địa chỉ gắn liền với một con người “Nhà thờ Cha Hóa”.
Cha mời gọi những anh em người Kinh đỡ đầu cho những anh em Dân Tộc : già đỡ đầu cho già, trẻ đỡ đầu cho trẻ, gia đình với gia đình, giáo xứ với bản làng. Tất cả đã trở thành cả “một mạng lưới tình liên đới” mà tính hiệu năng của nó cho đến nay vẫn còn cần phải được khai thác.Trong xứ Tân Thanh của tôi, rất nhiều gia đình đã đỡ đầu cho các tân tòng người Dân Tộc do cha Lôrensô truyền giáo.
Cả vùng Bảo Lộc, lương giáo đều quí mến cha Lôrenso, coi ngài như một thánh sống. Các xứ đạo vùng Bảo Lộc, từ Tân Thanh, Tân Phát, Tân Hà, Tân Bùi,.. đâu đâu các giáo dân cũng nghĩ rằng cha Lôrensô là một linh mục thánh. Các đấng bề trên cũng rất tôn trọng và quý mến cha Lôrensô. Đức cha Cố Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền khi về làm giám mục Đà Lạt từ năm 1960, vẫn tiếp tục tin tưởng và quí mến cha Lôrensô. Đức Ông Vinh kể cho tôi nghe rằng, trước khi mãn nhiệm, Đức cha Hiền đã muốn đề cử cha cố Lorensô làm giám mục, nhưng nhiều người can, vì tìm một ứng viên giám mục thì dễ mà được một linh mục truyền giáo cho người Dân Tộc thì khó. Đức Cố Giám Mục Batôlômê Nguyễn Sơn Lâm vẫn tiếp tục tin tưởng Ngài để Ngài phục vụ anh chị em Dân tộc. Đặc biệt Đức Cha Nhơn, ngài rất quí mến cha cố Lôrensô. Ngài đã hiện diện trong dịp kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục và 40 năm truyền giáo cho Dân Tộc thiểu số Thượng (3 - 6 - 1998), Ngọc Khánh Linh Mục và 50 năm truyền giáo (22 - 05 - 2008) của Cha Cố. Được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội vào năm 2010, ngày Mùng Năm Tết Tân Mão (7/2/2011) Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã đến thăm hỏi và chúc tuổi Cha Cố. Thật cảm động khi nghe Đức Tổng xem Ngài như bậc “tổ phụ”.
Trong bức thư Đức Cha Antôn gửi cho Quý Cha trong Giáo phận Đà Lạt đề ngày 30.12.2012, một ngày sau khi cha Lôrensô mất, có đoạn viết : “ Sau Đức Cha Jean Cassaigne, Cha Cố Lôrensô Phạm Giáo Hóa được coi như “tổ phụ” của công cuộc truyền giáo cho người Dân tộc trong Giáo phận chúng ta, đặc biệt vùng Bảo Lộc…”.
Paris, ngày 06 tháng 01 năm 2013
Trần Văn Cảnh