LC : Những người trẻ nói gì về sự khao khát theo đuổi đời sống tu sĩ ?
JCL : Không phổ quát hóa, người ta có thể nói rằng sự khao khát của người trẻ đến từ một kinh nghiệm mạnh mẽ về đời sống thiêng liêng, có thể so chiếu với ‘tiếng sét tình yêu’. Cần phải giúp họ chuyển hóa sự khao khát tuyệt đối này thành những chọn lựa thường ngày, với những quy luật và thời khóa biểu của đời sống tu sĩ…, bền vững như vậy mãi cho đến chết (usque ad mortem), như các tu sĩ dòng Đaminh quen nói trong ngày khấn trọn đời. Khác hẳn với những thế hệ trước, ngày nay người trẻ đã biết về đời sống tu sĩ ngay từ tuổi nhỏ, nhờ những dịp đến cấm phòng hay dịp đến thăm chị em hoặc bà con là tu sĩ, đan sĩ… Ngày nay nhiều người trẻ có tinh thần đạo đức cao độ, rất đòi hỏi, nhưng họ không biết làm sao hòa nhập ước nguyện của họ vào những hoạt động liên đới và những chứng tá cuộc sống. Đây cũng là một thách đố lớn của đời sống tu sĩ.
LC : Năm 2008, chính cha đã phối hợp thực hiện một cuộc thăm dò về ‘những mối bận tâm của các tu viện liên hệ đến việc đón tiếp và đào tạo những người trẻ muốn theo ơn gọi tu sĩ. Sau đó, đồng hành và sai họ đi các cộng đoàn nhỏ. Xin cha cho biết có những điểm nào mà người ta hay nhắc đến hơn cả ?
JCL : Có hai điểm quen thuộc, là phải ‘đi đến tận cùng’ (radicalité) và đời sống cộng doàn (la vie de la communauté). Trước khi quyết định theo ơn gọi tu sĩ, thường người trẻ đã trải nghiệm một đời sống phong phú trên bình diện tình cảm, giới tính, nghề nghiệp, nhân bản v.v. Tuy nhiên, khi người trẻ chọn đời sống tu sĩ thì không còn chuyện phải lưu lại trên bình diện này hay bình diện khác. Người trẻ thường kêu rằng : trong cộng đoàn ít được xem báo chí hay truyền hình. Hơn thế, để biết tin tức, người trẻ muốn xử dụng internet…Đặc biệt, thế hệ trẻ muốn tập trung đời sống cầu nguyện vào Lễ Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là ‘điểm hẹn’ giữa họ với Chúa Kitô, Đấng cho họ sức sống. Phải giúp cho người trẻ nhận ra rằng : đời sống tu sĩ rất thuận lợi cho những khao khát nồng cháy của họ, trong từng giây phút hiện tại, khiến họ không thể thoái thác được. Đó là cái mà người trẻ gọi là ‘đi đến tận cùng’ (radicalité). Những người cao niên trong cộng đoàn thường coi việc cầu nguyện và đời sống bí tích là những yếu tố cần thiết, đã có trong truyền thống. Về điểm này, người trẻ xem ra muốn tránh né. Quả thật, đối với các tu sĩ thế hệ trước, thì sự ‘đi tới tận cùng’ phải phù hợp với truyền thống, còn đối với các tu sĩ thế hệ trẻ, thì ‘sự đi đến tận cùng’ phải hướng về công việc phục vụ người nghèo khổ.
LC : Nếu như vậy thì phải hiểu làm sao ‘nhu cầu mỗi ngày một cụ thể’ về phía các tu sĩ trẻ,.
JCL : Cái khó là ít nom thấy hơn nghe thấy. Nếu người trẻ bén nhạy về những dấu chỉ khác biệt, thì nguyên việc họ quyết tuyển đời sống tận hiến đã làm nổi bật những dấu chỉ ấy giữa muôn vàn giá trị của đời sống đương thời, và có thể giúp họ thể hiện đời sống đặt nền trên những lời khuyên của Tin Mừng. Những người trẻ ngày nay muốn chọn sống đức khó nghèo, đức khiết tịnh và đức vâng lời, không theo kiểu truyền thống, nhưng theo cách thế riêng của họ, và họ muốn đi đến tận căn của lời khấn. Đức khó nghèo của tu sĩ là một nếp sống thật phong phú : phong phú trong việc giao tiếp, phong phú về tự do, về hạnh phúc hiện hữu, không cần biết đến giới hạn chiếm hữu. Đức khiết tịnh của người tu sĩ nói lên khả năng trao ban sự sống một cách thiêng liêng cho đông đảo con cái. Sau cùng, đức vâng lời của tu sĩ là sự mời gọi phát triển các tài năng, làm giàu bằng những cởi mở mà có thể người ta đã không biết đến nếu như người ta chỉ biết hành động theo ý riêng của mình. Trên hết, ba lời khấn đã liên kết hàng tiệu người trên cả thế giới : họ sống chung với nhau, họ cùng đi một con đường mà không lựa chọn trước, bởi vì họ đã cống hiến tình yêu, phó thác tương lai và dành lời nói cho Đấng kêu gọi họ...
LC : Còn nhu cầu sống cộng đoàn thì sao ?
JCL : Khi những người trẻ nói về đời sống cộng đoàn, trước hết họ muốn một đời sống hiệp thông, để có thể phát biểu và tìm hiểu … Một số tu viện nhấn mạnh đến sự yên lặng, vì trong yên lặng, người tu sĩ nói ít nhưng hiểu biết và hiệp thông nhiều hơn. Cần giúp các tu sĩ trẻ cảm thấy được nâng đỡ và vững vàng trong việc chọn lựa. Nhờ đó, họ học cách sống yên lặng.
LC : Nhưng các tu sĩ trẻ có thực tình muốn tìm lại đời sống cộng đoàn không ?
JCL : Cá nhân chủ nghĩa của họ rất mạnh, nên, một cách chung, họ không mấy sẵn sàng lãnh trách nhiệm về thảm cảnh của người khác, không mau mắn và vui vẻ mở lòng chia sẻ. Có lẽ, vì họ đã học cách thủ thân ngay từ trong gia đình hay từ học đường … Tuy nhiên, khác với thế hệ trên 60 tuổi, các tu sĩ trẻ, trước khi đi vào đời sống tận hiến, đã tiếp cận với các môi trường sống huynh đệ và những môi trường văn hóa tiếp đón. Nhiều tu sĩ nam hay nữ dưói 40 tuổi, dễ mở lòng lắng nghe người khác.
LC : Đâu là những dấn thân hay những chọn lựa của các tu sĩ trẻ ?;
JCL : Khác với các thế hệ đàn anh, các tu sĩ thế hệ trẻ thích có những chọn lựa chính trị và kinh tế, những dấn thân góp phần vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Họ tìm những quyết tuyển thích thời tại Pháp hay ở ngoại quốc. Thừơng khi họ ưu tiên cho những dấn thân gần gũi, diện đối diện, như đồng hành với các bệnh nhân liệt kháng, thăm viếng tù nhân, hay trẻ em khuyết tật, phát cháo cho người vô gia cư… Những biến chuyển này không phải chỉ xảy ra trong đời sống tu trì mà còn cả trong những sinh hoạt văn hóa.
Du Sinh