Cha Francois Mourad, một tu sĩ thuộc Giáo Hội Syria.
Vatican thương tiếc một linh mục bị sát hại trong cuộc xung đột ẫm máu.
Thánh bộ Giáo Hội Đông Phương của Vatican đau buồn vì vụ sát hại tàn nhẫn cha Francois Mourad, một tu sĩ thuộc Giáo Hội Syria. Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ 3, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Thánh Bộ đã gửi lời “phân ưu sâu sắc nhất đến Giáo Hội Công Giáo Syro, đến Đức Thượng Phụ SB Ignace Youssef III Younan, vị quản thủ Thánh Địa và tất cả các tín hữu của dân tộc Syria thân yêu”.
Đức Hồng Y Sandri nói rằng “chi tiết mới nhất của tấn thảm kịch phi lý này khuấy động lương tâm lãnh đạo các bên xung đột và cộng đồng quốc tế, do đó, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng khi súng đạn của chiến tranh im tiếng thì mùa của công lý và hòa giải mới bắt đầu cho một tương lai hòa bình”.
Theo cha Pierbattista Pizzaballa, tu sĩ dòng Phanxicô, quản thủ Thánh Địa, vị tu sĩ bị sát hại ngày 23 tháng 6 khi tu viện thánh An tôn Padua của Dòng bị tấn công. Tu viện này tọa lạc ở Ghassanieh, một ngôi làng có đa số dân là Ki tô hữu thuộc quận Jisr al-Shughur, tỉnh Idlib gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cha Pizzaballa nói rằng qua hình ảnh và lời kể của các nhân chứng của tu viện, ngôi làng đã nằm dưới cuộc tấn công của các phiến quân Hồi giáo cách đó một vài tuần khiến cho đa số dân chúng phải rời bỏ nhà cửa.
Ngài nói tu viện thánh An tôn đã là nơi trú ẩn an toàn duy nhất và vào thời điểm bị tấn công, có cha Francois, một vài cha Phanxicô, 4 nữ tu và 10 tín hữu trú ẩn ở đó. Khi cha Francois cố gắng kháng cự để bảo vệ các nữ tu các các tín hữu, du kích quân đã bắn chết ngài.
Cha Pizzaballa cho biết rằng hiện nay ngôi làng hoàn toàn bị bỏ hoang. “Thật bất hạnh thay, Syria bây giờ không chỉ là chiến trường giữa các lực lượng trong nước mà còn giữa các nước Ả rập và cộng đồng quốc tế. Và người phải trả giá đắt là người nghèo, thanh thiếu niên và các Kitô hữu. Cộng đồng quốc tế phải chấm dứt tất cả điều này”.
Cha Mourad chỉ là một trong số nhiều anh chị em tu sĩ đã sống đức tin của mình ngay tại tiền tuyến ở Syria, đã từ chối việc rời bỏ các cộng đoàn Kitô giáo và Hồi giáo mà họ đang phục vụ. Họ ở lại bởi vì họ muốn trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng, ánh sáng và niềm an ủi cho dân chúng ở giữa cảnh tang thương.
Vietcatholic