« MÙA ĐÔNG NĂM ẤY … »
Đ |
ã
biết bao mùa Đông phủ trùm trên mặt đất nầy và cũng đã biết bao mùa Đông trải qua trong đời mỗi người chúng ta, những
mùa Đông giá rét làm vạn vật như ngừng thở, chìm đắm trong sắc màu ảm đạm, chôn
vùi dưới băng tuyết, mọi sự như cô đọng lại.
Tuy nhiên, có một Mùa Đông đánh dấu cả dòng lịch sử của
nhân loại. Đó là “Mùa Đông năm ấy sao sáng soi cuối trời. Mùa đông năm ấy Con
Chúa sinh xuống đời. Nhịp ca véo von bao thiên thần ca hát. Tôn thờ Ngôi Hai
giáng sinh trần ai” … (Thánh ca Mùa Đông năm ấy – Lm. Hoài Đức). Mùa
Đông đầu tiên của Con Thiên Chúa nhập thế làm người, đánh dấu một giai đoạn mới
của lịch sử thế trần, và cũng là mùa Đông duy nhất trong lịch sử cứu độ. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai
Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật, để chuộc những
ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4,4-5).
Chính vì thế, mùa Đông đó không còn làm con người co ro vì giá lạnh, mà hớn hở,
vội vàng đi tìm Đấng Cứu tinh vừa được hạ sinh khi nghe loan báo tin vui từ trời
cao : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh
em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng
Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức
Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ
sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc
2,10-12) Một hài nhi sơ sinh như bao trẻ sơ sinh khác, và còn bất hạnh hơn,
không được sinh ra trong một mái ấm gia đình, mà trong một chòi canh dành cho
súc vật và được đặt nằm trong máng cỏ. Nếu không được báo đó là Vị Cứu tinh thì
làm sao biết được Ngài ? Chỉ có niềm tin mới giúp con người nhận ra đó là
Con Thiên Chúa làm người. Ngài là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”
Nhưng tại sao lại
được sinh ra trong cảnh cơ hàn giữa trời Đông giá buốt ? Phải chăng đó là
một điềm báo không may cho tương lai của Đấng Cứu thế hay đó là một lời huấn dụ
cho ngàn đời mai sau ?
- Nếu là một điềm báo trước không vẻ vang cho tương lai của
Đấng Cứu thế thì cũng có phần đúng, vì cuộc đời của Ngài, theo các Tin mừng ghi
lại, đã chịu nhiều vất vả đắng cay. Vừa chào đời, phải đi tị nạn ở xứ người. Đến
12 tuổi, bị cha mẹ hiểu lầm trách móc. Lúc ra đi thi hành sứ mệnh thiên sai, bị
người ganh ghét, mưu toan ám hại. Về cuối đời, bị môn đệ bán đứng, phản bội. Niềm
khổ đau nhất, chắc hẳn là lúc nguy cơ lại thấy mình bị bỏ rơi, không ai “đồng
cam cộng khổ với mình”, từ đám đông dân chúng mà Ngài đã ra tay cứu vớt, chữa
lành bệnh tật, đến các môn đệ thân tính, kể cả Người Cha mà mình quí trọng, suốt
đời tuân phục, rồi cái chết ô nhục trên thập giá như một tên tử tội … Đó là những
mùa Đông làm cho lòng Ngài tê tái, tê tái không vì giá rét bên ngoài, nhưng vì
nỗi hiu quạnh trong lòng, để rồi Ngài phải thốt lên : “Tâm hồn Thầy buồn
đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mt26, 38). Khi thấy
các môn đệ vẫn ngủ, Ngài lại trách khẽ : “Anh
em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao ?” (Mt
26,40b), hay khi sắp trút hơi thở trên thập giá, “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa
của con, sao Cha nỡ bỏ con ?” (Mc 15,34).
Là
con người, khi gặp gian nan, ai cũng cần có những bàn tay nâng đỡ, những lời ủi
an, động viên, để có thêm can đảm vượt qua cơn thử thách khó khăn. Thật thất vọng
khi không có ai để nương tựa trong những giây phút đó. Có lẽ Đức Giêsu, Vị Cứu
thế, cũng đã có tâm trạng đó nên mới thốt lên những lời não nề như thế.
- Tuy nhiên, nếu mùa Đông năm ấy đã mang đến cho nhân loại
một niềm vui khôn tả, thì chắc hẳn nó cũng có những điều tốt đẹp.
Tốt đẹp vì nó mang đến một một tin vui : “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh
em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức
Chúa.” (Lc 2,11). Như thế, lời mà Thiên Chúa đã phán từ
ngàn xưa qua ngôn sứ Isaia, hôm nay đã ứng nghiệm : “Vì vậy, chính Chúa
Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Này đây người thiếu nữ sẽ
mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.”.
(Is 7,14) Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Ngài không bỏ rơi
con người trong kiếp tội nhân, nhưng đã sai Con của Ngài xuống thế để cứu chuộc
nhân loại. Một trang sử mới đã được mở ra, một trời mới đất mới đã được khai
màu. Thật là một tin vui khi Thiên Chúa, qua Con của Ngài, đến chia sẻ kiếp người
với con người, đồng hành với mọi người, hướng dẫn họ về cùng Thiên Chúa, và nhất
là mang lại cho họ ơn cứu độ qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tất cả chỉ
vì Ngài yêu thương con người. Chính vì yêu thương, Ngài đã có sáng kiến táo bạo
sai Con của Ngài xuống thế làm người để con người được trở nên con Thiên Chúa như
lời thánh Irênê "Con
Thiên Chúa làm người để ta được hiệp thông với Người mà trở nên con Thiên Chúa."
Tốt
đẹp vì Đấng Thiên sai đã đặt sự đơn sơ khó nghèo lên nấc thang giá trị cao nhất
khi Ngài được sinh ra, không phải ở trong một đền vua nguy nga hay một lâu đài
cung son gác tía, mà là trong một chòi canh của mục đồng, thiếu tiện nghi, thiếu
hơi nóng để sưởi ấm Ngài giữa mùa Đông, thiếu tình hàng xóm của những ai đến
chia vui với cha mẹ Ngài. Ngài được sinh ra trong cảnh âm thầm giữa đêm băng
giá. Tại sao Ngài lại chọn cách đó ? Phải chăng là để nhắc nhở chúng ta đừng
tìm danh vọng phú quí giàu sang có thể làm chúng ta đi lạc lối, xa cách Ngài,
xa cách mọi người vi lòng kiêu hãnh dễ đưa đến sự khinh thường người khác, phân
chia giai cấp. “Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ."
(Mt 5,3) Vã lại, những người đầu tiên được nhận tin vui là những người chăn
chiên đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đàn vật. Họ là những người đơn
sơ, chất phác, không giàu sang phú quí, không chức quyền cao trọng. Chính vì thế,
Thiên Chúa đã chọn họ để mạc khải mầu nhiệm Giáng sinh. Khi nghe tin vui, họ
không đặt nghi vấn, mà vội vàng chạy đến chòi canh để chiêm ngắm Đấng Cứu thế
hài nhi. Một diễm phúc cho họ. Một hạnh phúc cho những ai có niềm tin vào lời của
Thiên Chúa.
Giáng sinh nhắc nhở cho chúng ta Mùa Đông năm ấy, mùa
Đông mà Tình yêu Thiên Chúa đã trở thành người phàm, chia sẻ kiếp người với
chúng ta trong mọi hoàn cảnh, và mời gọi chúng ta hãy sống đơn sơ, khiêm nhường,
với một tâm hồn nghèo khó. Có như thế, chúng ta mới gặp được Ngài.
Lm.
Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 6 - 2024 - Lịch Sử Việc Tôn Thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lá Thư Mục Vụ Tháng 5 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 4 - 2024 - Lm Giuse Trần Anh Dũng
Lá Thư Mục Vụ Tháng 3 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 2 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 1 - 2024 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 11 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 10 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 09 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 06 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 05 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 04 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 03 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 02 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 01 - 2023 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf
Lá Thư Mục Vụ Tháng 12 - 2022 - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang, csf